Dưới tán rừng Thần Sa – Phượng Hoàng

ThienNhien.Net – Nằm trên địa bàn huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Thần Sa – Phượng Hoàng được giao quản lý, bảo vệ hàng nghìn ha rừng thuộc địa bàn tám xã, thị trấn. Cùng với Vườn Quốc gia Ba Bể – Bắc Cạn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng tạo thành liên khu sinh cảnh đá vôi Thần Sa – Bắc Cạn. Nơi đây, có nhiều loài động, thực vật quý‎ hiếm đặc trưng vùng núi đá Đông Bắc Bộ.

Xóm bản vùng lõi nằm trong Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng. (Ảnh: Phương Cường - Ngọc Khuê)
Xóm bản vùng lõi nằm trong Khu BTTN Thần Sa – Phượng Hoàng. (Ảnh: Phương Cường – Ngọc Khuê)

Bảo vệ rừng tận gốc

Cuối tháng 4-2015, chúng tôi đã có chuyến “lội rừng” cùng các đồng chí kiểm lâm thuộc Ban Quản lý Khu BTTN Thần Sa – Phượng Hoàng. Trực tiếp đưa chúng tôi vào rừng là đồng chí Phó Trưởng ban Hứa Văn Tiến. Anh Tiến cho biết: Tận tụy “bám dân, bám rừng”, Ban Quản lý Khu BTTN Thần Sa – Phượng Hoàng đã đề ra các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả như: Khoán bảo vệ rừng đặc dụng cho các hộ dân, đơn vị quân đội; giao bảo vệ theo lô, khoảnh, tiểu khu cho từng kiểm lâm địa bàn; phối hợp với các huyện, tỉnh giáp ranh trong công tác bảo vệ rừng,… nên rừng đặc dụng Khu BTTN Thần Sa – Phượng Hoàng đang từng bước được bảo tồn và phát triển bền vững.

Với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, xây dựng, bảo tồn và phát triển một khu bảo tồn có mức độ đa dạng sinh học cao, có trữ lượng rừng tự nhiên lớn nhất hiện nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng hiện đang trực tiếp quản lý gần 40,3 nghìn ha rừng, trong đó có 17,4 nghìn ha rừng đặc dụng thuộc các xã: Thần Sa, Thượng Nung, Sảng Mộc, Nghinh Tường, Vũ Chấn, Cúc Đường, Phú Thượng và thị trấn Đình Cả.

Ngoài những di chỉ khảo cổ học, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như thác Mưa Rơi, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, Mái đá Ngườm, Suối Tiên… thì Khu Bảo tồn còn có hệ sinh thái rừng núi độc đáo, có tính đa dạng sinh học phong phú với nhiều nguồn gien quý hiếm và là nơi cư trú của hơn 295 loài động vật và hơn 1.000 loài thực vật, trong đó có nhiều loại cây dược liệu quý, một số loài gần như đã tuyệt chủng.

Với đặc điểm địa hình đồi núi hiểm trở, lại nằm giáp ranh với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Cạn, với hàng nghìn hộ dân sống trong vùng lõi nên công tác bảo vệ, phát triển rừng gặp không ít khó khăn. Tại đây, kiểm lâm viên được “cắm” đến từng thôn bản nhằm giữ rừng tận gốc. Phải khá vất vả, chúng tôi mới đến được chốt Bản Mùn, xóm Thượng Lương xã Nghinh Tường, cách trụ sở Ban Quản lý gần 30km.

Gọi là chốt cho “oách”, chứ đó là căn lán nhỏ, vách ghép bằng ván gỗ, lợp bạt sơ sài, vừa đủ kê mấy tấm gỗ làm giường. Kiểm lâm viên Trần Đình Tứ cho biết, hầu hết thời gian là bám dân, bám rừng. Giám đốc Ban Quản lý đã phân công quản lý tận gốc cho 35 cán bộ kiểm lâm làm nhiệm vụ quản lý từng lô, khoảng, tiểu khu. Những cán bộ được phân công thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên diện tích mình phụ trách nên hiện tượng khai thác, chặt phá rừng trái phép không còn xảy ra. Tại một số “chốt” khu vực điểm nóng về khai thác gỗ và khoáng sản trái phép, anh em phải “cắm rừng” hàng chục ngày trời, ăn đồ hộp, uống nước khe, không điện, không sóng điện thoại.

Hiện, cả Khu có sáu trạm kiểm lâm địa bàn làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và 10 chốt đặt tại các tuyến đường trọng yếu, duy trì tổ chức tuần tra, truy quét trên rừng tận gốc nhằm phát hiện và ngăn chặn các vụ việc phá rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép. Ngoài ra, huyện cũng thành lập ba tổ chốt truy quét các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trong rừng đặc dụng. Nhờ các chốt chặn này, tình hình khai thác lâm sản trái phép nhiều tháng nay đã “lắng xuống”, còn hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép cũng đã vắng bóng trong rừng đặc dụng.

Các trạm kiểm lâm địa bàn làm tốt công tác tham mưu cho các xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ – phát triển rừng và công tác phòng cháy chữa cháy rừng xuống tận các thôn, bản thông qua sinh hoạt xóm, tổ chức lồng ghép tại các buổi sinh hoạt các đoàn thể.

Thác Mưa Rơi - thắng cảnh nổi tiếng thuộc Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng. (Ảnh: Phương Cường - Ngọc Khuê)
Thác Mưa Rơi – thắng cảnh nổi tiếng thuộc Khu BTTN Thần Sa – Phượng Hoàng. (Ảnh: Phương Cường – Ngọc Khuê)

Phát huy giá trị “rừng vàng”

Trao đổi với lãnh đạo Ban Quản lý, chúng tôi được biết Ban đã xây dựng Quy hoạch phát triển rừng đặc dụng Khu BTTN Thần Sa – Phượng Hoàng đến năm 2020 với mục tiêu quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững gắn với việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn nguồn gien, bảo vệ cảnh quan môi trường. Đây là cơ sở cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng rừng đặc dụng nhằm huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, các tổ chức trong và ngoài nước vào hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu BTTN.

Theo Quy hoạch này, 30 xóm thôn tại “vùng đệm” sẽ được đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng vốn đầu tư dự kiến 89 tỷ đồng. Xác định rừng có được bảo vệ và phát triển thì dự án đầu tư mới đem lại hiệu quả thiết thực, trong những năm qua Ban Quản lý đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế khảo sát điều tra về các loài linh trưởng: Voọc đen má trắng, Voọc mũi hếch, Vượn,… cây gỗ đinh, lim, sến, táu… để có giải pháp bảo tồn các loại động, thực vật quý hiếm này.

Muốn giữ rừng tận gốc, phát huy giá trị “rừng vàng” thì điều cần nhất chính là ý thức các hộ dân sinh sống trong Khu Bảo tồn, làm sao cho họ có thu nhập từ rừng mà không xâm hại tài nguyên. Với mục đích đó, hàng năm, Ban Quản lý Khu BTTN đều phối hợp với Trung tâm khuyến nông quốc gia mở các lớp tập huấn về khuyến nông- khuyến lâm, xây dựng quy chế quản lý rừng đặc dụng khu BTTN Thần Sa – Phượng Hoàng, với mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con, đặc biệt là tìm kiếm các giải pháp phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

Dự án “Mở rộng mô hình trồng thâm canh cây chuối Tây theo hướng sản xuất hàng hóa tại một số xã trong khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng” là một hướng đi nhiều triển vọng. Có thu nhập từ rừng, người dân sẽ càng nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng.

Kiểm lâm viên Ban Quản lý Khu BTTN Thần Sa - Phượng Hoàng đến từng nhà vận động bà con thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng. (Ảnh: Phương Cường - Ngọc Khuê)
Kiểm lâm viên Ban Quản lý Khu BTTN Thần Sa – Phượng Hoàng đến từng nhà vận động bà con thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng. (Ảnh: Phương Cường – Ngọc Khuê)

Đồng chí Hoàng Văn Thanh, 53 tuổi, dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường cho biết, đã hai năm nay “đóng cửa rừng”, không có ai được vào rừng lấy măng, đốn gỗ, nhờ vậy mà rất ít xảy ra cháy rừng. Rừng được bảo vệ tốt, không bị chặt phá nên nguồn nước cũng tốt theo, bà con đủ nước sinh hoạt và sản xuất. Người dân tuy không còn được hưởng chế độ khoán bảo vệ, khoanh nuôi rừng nhưng vẫn coi đó là tài sản của mình, tự giác trông coi, bảo vệ. Nghe nói các dự án trồng cây dược liệu, cây ăn quả cho thu nhập bền vững đang được triển khai tại các xã trong khu bảo tồn, ai cũng phấn khởi. Bà con phải thấy được rừng là vàng thì mới tự giác giữ rừng.