Tự bơi

ThienNhien.Net – Khoáng sản nói chung và quặng sắt nói riêng là tài nguyên không tái tạo, là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Do vậy, cần phải có tính toán kỹ lưỡng, khai thác hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Song, thời gian gần đây hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản chưa phù hợp nhu cầu thực tế, nhiều loại khoáng sản được khai thác và chế biến bằng công nghệ cũ, lạc hậu dẫn đến mất an toàn lao động và ô nhiễm môi trường.

Khai thác khoáng sản tự phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Khai thác khoáng sản tự phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Chính vì vậy, thuế xuất khẩu quặng sắt đã được điều chỉnh từ 30% lên 40% vào tháng 7-2011. Nửa năm sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg, về việc tăng cường quản lý các hoạt động xuất khẩu khoáng sản, trong đó đưa ra chủ trương dừng hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt. Việc tăng thuế suất lên 40% và việc Thủ tướng Chính phủ cấm xuất khẩu quặng sắt là do việc cấp phép khai thác ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu, lãng phí tài nguyên khoáng sản của đất nước. Có thể nói, đây là chủ trương hết sức đúng đắn, bởi tài nguyên là hữu hạn, không tái sinh, nếu cứ móc mãi lên để bán rồi cũng đến một ngày cạn kiệt.

Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, trong đó có quặng sắt, không chỉ để tránh lãng phí tài nguyên khoáng sản mà còn là bài toán cân đối giữa khai thác quặng và chế biến sắt thô, sắt thành phẩm trong nước. Thay vì việc các doanh nghiệp luyện kim trong nước phải nhập khẩu quặng sắt của nước ngoài với giá cao, thì có thể mua quặng sắt của các doanh nghiệp khai khoáng ngay trong nước với giá thấp hơn, từ đó sẽ hạ được giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh với thép ngoại. Nếu không có sự điều tiết, quặng sắt trong nước cứ ầm ầm xuất khẩu, trong khi các doanh nghiệp luyện kim lại phải nhập khẩu quặng sắt từ nước ngoài với giá đắt hơn hẳn.

Vậy nhưng ngày 9-4 mới đây, 8 doanh nghiệp là Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long; Công ty CP Vương Anh; Công ty CP Hà Quang; Công ty TNHH MTV Long Thành Trung; Công ty Phát triển số 1-TNHH MTV; Công ty CP phát triển đầu tư An Khánh; Công ty TNHH XD Lan Anh; Công ty CP Khai khoáng Minh Đức) đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác quặng sắt. Các doanh nghiệp cho rằng với thuế suất xuất khẩu quặng sắt 40% như hiện nay, thì hầu hết các công ty hoạt động trong lĩnh vực quặng sắt đều rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hẳn. Với lý do trên, một số doanh nghiệp đề nghị Chính phủ xem xét giảm thuế suất và cho phép xuất khẩu quặng sắt trở lại.

Do cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó cho quặng sắt quá nhiều đã dẫn đến mất cân đối, cung đã vượt xa cầu. Có những mỏ quặng sắt lớn, lẽ ra thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên – Môi trường, nhưng các địa phương đã lách luật bằng cách chia nhỏ ra để đủ thẩm quyền cấp phép. Việc cấp phép tràn lan, cấp phép không theo quy hoạch, không có thẩm định thiết kế cơ sở… đã gây lãng phí, thất thoát lớn về tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Các doanh nghiệp khai thác quặng sắt còn khăng khăng cho rằng, do chủ trương cấm xuất khẩu quặng sắt nên không có thị trường nào khác ngoài tiêu thụ nội địa, vì thế mà các doanh nghiệp khai thác quặng sắt đã ở vào thế đường cùng do bị chính doanh nghiệp luyện kim trong nước ép giá. Song, đây là lý do đưa ra một cách khiên cưỡng không có sức thuyết phục. Cụ thể, theo Hội Doanh nghiệp khai thác quặng sắt, tại thời điểm 7-4-2015, giá quặng sắt 62% của thế giới là 1,3 triệu đồng/ tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt mà các doanh nghiệp luyện kim trong nước mua của các doanh nghiệp khai khoáng là 1,1-1,2 triệu đồng/ tấn. Như vậy là không có sự chênh lệch nhiều giữa giá quặng sắt thế giới và nội địa, sao có thể gọi là ép giá?

Mặt khác, giá quặng sắt trên thế giới là 1,3 triệu đồng/ tấn, khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ bị trội lên do thuế nhập khẩu, hà cớ gì các doanh nghiệp luyện kim lại muốn mua nguyên liệu đầu vào đắt để bị đội giá thành sản phẩm. Bất kể một người làm kinh doanh nào, kể cả những người không được đào tạo bài bản về lý thuyết kinh tế thì cũng đều có lời giải chung cho bài toán này là chọn mua quặng sắt của các doanh nghiệp khai khoáng trong nước, chứ không thể bỏ rẻ mua đắt được. Nguyên liệu đầu vào là một trong những yếu tố khá quan trọng quyết định đến giá thành sản phẩm, quyết định đến sức cạnh tranh và sự tồn vong của doanh nghiệp, lẽ nào các doanh nghiệp luyện kim không hiểu được điều này?

Theo một số chuyên gia kinh tế, sở dĩ có sự ế ẩm quặng sắt là do ngành luyện kim trong nước cũng đang phải vất vả vật lộn với thị trường. Từ đầu năm đến nay, thị trường thép chưa có sự khởi sắc, việc tiêu thụ gặp khó khăn do sản xuất vẫn ổn định, thậm chí tăng so với cùng kỳ năm 2014, trong khi nhu cầu thị trường chưa có sự tăng trưởng mạnh do không phải mùa cao điểm về xây dựng, cùng với việc thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng. Bộ Công thương khẳng định, sức tiêu thụ thép trong nước 3 tháng đầu năm vô cùng “khiêm tốn”, do phải chật vật cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ, khiến các doanh nghiệp trong nước vấp phải khó khăn lớn. Khi sản phẩm thép ế ẩm không bán được thì việc “lừng chừng” với nguyên liệu đầu vào là điều dễ hiểu.

Đầu ra của sản phẩm thép gặp khó thì đương nhiên nguyên liệu đầu vào là quặng sắt phải ế ẩm. Đó là mới tính ở mức cung và cầu cân đối. Đằng này, do cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó cho quặng sắt quá nhiều đã dẫn đến mất cân đối, cung đã vượt xa cầu. Có những mỏ quặng sắt lớn, lẽ ra thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên – Môi trường, nhưng các địa phương đã lách luật bằng cách chia nhỏ ra để đủ thẩm quyền cấp phép. Việc cấp phép tràn lan, cấp phép không theo quy hoạch, không có thẩm định thiết kế cơ sở… đã gây lãng phí, thất thoát lớn về tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Việc khai thác khoáng sản, trong đó có quặng sắt những năm qua như một miếng bánh béo bở khiến nhiều doanh nghiệp lao vào, làm bằng mọi giá. Giờ với chủ trương chống lãng phí của Chính phủ nên gặp khó và bắt đầu kêu khóc. Đã đến lúc các doanh nghiệp phải tự đi bằng đôi chân của mình, chứ không phải hễ khó khăn là kêu gào đòi Nhà nước hỗ trợ. Trong bối cảnh đàm phán TPP sắp hoàn thành, các doanh nghiệp (bất kể trong lĩnh vực nào) hãy tự bơi- nếu không sẽ bị chìm nghỉm khi hội nhập quốc tế.