“Mật phục” sa tặc trên sông Thu Bồn

ThienNhien.Net – Cuối năm 2014, chúng tôi đã có bài phản ánh về tình trạng khai thác cát rầm rộ trên sông Thu Bồn, Quảng Nam gây ảnh hưởng đến môi trường, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều địa phương ven dòng sông này. Trong việc khai thác này, ngoài một số ít doanh nghiệp được cấp phép khai thác, còn lại đều hoạt động trái phép. Mới đây, từ thông tin của người dân phản ánh, tình hình khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt diễn ra rầm rộ vào ban đêm, chúng tôi đã có chuyến xâm nhập thực tế để chứng kiến hoạt động khai thác trái phép này…

Nhiều tàu hút cát neo đậu tại sông Vĩnh Điện, bến Bảo Quyên cứ đêm xuống là đi hút cát trộm trên sông Thu Bồn. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Nhiều tàu hút cát neo đậu tại sông Vĩnh Điện, bến Bảo Quyên cứ đêm xuống là đi hút cát trộm trên sông Thu Bồn. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Nguồn tin cơ sở cho biết, từ sau Tết Ất Mùi 2015 đến nay, mỗi đêm có hàng chục tàu hút cát hoạt động rầm rộ trên sông Thu Bồn đoạn từ thôn Kỳ Lam, Điện Quang, TX Điện Bàn đến khu vực bến Ông Trì, xã Điện Phước. 17 giờ ngày 18-4-2015, có mặt tại khu vực TT Vĩnh Điện, chúng tôi nhận được sự hướng dẫn: “Các anh cứ quan sát khu vực chân cầu Vĩnh Điện và khu vực đầu cầu Câu Lâu, sẽ thấy hàng chục tàu hút cát neo đậu tại đây, nếu xẩm tối không còn nữa, tức là những tàu hút cát này đã lên đường hoạt động…”.  20 giờ, chúng tôi băng qua khu vực Gò Nổi, nhằm hướng thôn Kỳ Lam, Điện Quang, nằm sát sông Thu Bồn để nắm tình hình. Những người dân bức xúc về tình trạng khai thác cát trái phép đã chờ chúng tôi từ trước, thông báo: “Các anh lên hơi trễ, vừa có có 2 tàu hoạt động từ xẩm tối và đã hút đầy cát xuôi về hướng Vĩnh Điện rồi, nhưng yên tâm, từ 1 – 2 giờ trở đi các tàu hút cát mới rầm rộ hơn”.

22 giờ, chúng tôi xuống một chiếc ghe nhỏ của một người đánh cá  tình nguyện chở chúng tôi xuôi dòng Thu Bồn. Nhằm vào đêm 30 âm lịch trời tối đen như mực. Vừa xuôi khỏi chân cầu đường sắt Kỳ Lam chừng  hơn 200m, chúng tôi bắt gặp một tàu hút cát đã neo đậu bên cồn cát, những người trên tàu đang hối hả chuẩn bị dụng cụ… Người chèo thuyền nói với chúng tôi, tàu này đang chuẩn bị để hút cát. Tiếp tục xuôi về khu vực bến Ông Trì chừng 2km, hiện ra trước mắt chúng tôi, giữa mặt sông có tới 7 tàu hút cát có sức chứa 40-50m3/tàu, đang neo đậu, đèn bật sáng rực, những người trên tàu cũng đang đi lại hối hả chuẩn bị dụng cụ, phương tiện.

Người chèo thuyền cho biết, trung bình hàng đêm tại khu vực này có tới hơn chục chiếc tàu hút cát hoạt động, đêm cao điểm có tới 20-30 tàu hút trộm cát. Các tàu hút cát thi nhau hoạt động liên tục từ xẩm tối cho tới 3 giờ hôm sau, rầm rộ nhất vào khoảng từ  1 – 2 giờ, cá biệt có ngày từ 15-16 giờ nhiều tàu đã tổ chức hút cát trái phép công khai… Tính trung bình mỗi tàu hút cát trộm 1 chuyến/ngày, lòng sông Thu Bồn đã bị “rút ruột” hàng ngàn mét khối cát, kéo theo đó là các đề bao tiêu thụ cát “bủa vây” dọc  sông Vĩnh Điện, Câu Lâu, như: Bến cát Bảo Quyên (Điện An), ông Nhiều (Điện Phước), bến Phú Thủy, ông Anh (Điện Minh)…

Hình như phát hiện chiếc ghe nhỏ của chúng tôi xuất hiện bất thường, đồng loạt cả 7 chiếc tàu hút cát đều tắt hết đèn điện, mặt sông như đặc quánh bởi bóng đêm, chỉ còn thấy những chiếc tàu hút cát như những lô cốt lù lù án ngữ giữa lòng sông. Người chèo thuyền bức xúc: “Thật là nguy hiểm, nếu ghe thuyền đi lại trên sông mà không tỉnh táo để ý sẽ lao thẳng vào những chiếc tàu hút cát này, lúc đó thì tai họa thật khôn lường”.

Ghe chúng tôi vội nép sát vào bờ xuôi thẳng về hướng cầu Câu Lâu nhằm tránh sự nghi ngờ của các tàu hút cát. Đúng như dự đoán, chưa đầy 20 phút sau, đồng loạt 7 chiếc tàu hút cát lại bật điện sáng rực mặt sông… Chúng tôi nép theo bờ sông phía ven bờ xã Điện Thọ, mò mẫm men ngược trở lại. Hình như không phát hiện chúng tôi, đã có chiếc tàu nổ máy chuẩn bị “tác chiến”.

Chiếc tàu hút cát chúng tôi gặp đầu tiên cách cầu đường sắt Kỳ Lam hơn 200m cũng đang hoạt động hết công suất, tiếng máy nổ rền vang một góc sông. Trời quá tối, lại không thể bật đèn pin để quan sát, nên chúng tôi không thể đọc được số hiệu những chiếc tàu hút cát này. Nhưng người chèo thuyền phẩy tay: “Ôi chà, các anh cần gì phải đọc số hiệu tàu, những tàu này ban ngày thì đi chở cát thuê cho các doanh nghiệp được cấp phép khai thác, còn về đêm đi hút trộm cát chứ có xa lạ đâu”. Rồi anh giải thích, các tàu này chở thuê cho các doanh nghiệp tại các mỏ được cấp phép, họ chỉ nhận tiền cước phí vận chuyển, còn ban đêm đi hút cát trộm, bán với giá rẻ hơn các doanh nghiệp, vậy là một công đôi việc, vừa khai thác cát mà không hề tốn kém bất kỳ khoản chi phí, nghĩa vụ gì đối với Nhà nước, vừa có thu nhập từ vận chuyển thuê.

Chúng tôi hỏi, tại sao việc khai thác cát trái phép ban đêm diễn ra gần như công khai mà chính quyền và ngành chức năng không hay biết? Người dẫn đường khẳng định: “Chắc chắn là có biết, nhưng không bắt được quả tang mà thôi vì hầu như lần nào ngành chức năng đi kiểm tra là đêm đó các tàu hút cát “án binh bất động”. Điều này, một cán bộ CATX Điện Bàn giãi bày: “Cứ mỗi lần chuẩn bị thả thuyền bo bo tuần tra, kiểm soát là không hề thấy bóng dáng tàu cát nào…”.

Nhiều tàu hút ban ngày chở thuê cho các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác, ban đêm hút trộm cát trên sông Thu Bồn. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Nhiều tàu hút ban ngày chở thuê cho các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác, ban đêm hút trộm cát trên sông Thu Bồn. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Theo quy định, mỗi mét khối cát hút trái phép sẽ bị xử phạt tới 1 triệu đồng, mỗi tàu có trọng tải 40-50m3, nếu bị bắt sẽ phải chịu mức xử phạt lên tới 40-50 triệu đồng. Song, nhiều lần ngành chức năng “xuất quân” kiểm tra là cứ như bị lộ thông tin, các tàu hút cát “án binh bất động”, thành ra cát tặc “nhờn luật”. Đầu năm 2015, CAX Điện Thọ mai phục và bắt quả tang tàu hút cát do ông Phạm Đã điều khiển, đang hút cát trộm ven sông thuộc xã nên xử phạt hành chính. Vừa nộp phạt hôm trước thì hôm sau lại thấy tàu này “ung dung” hút cát như thường…

Trong lần làm việc vào cuối năm 2014, ông Phạm Ngọc Anh – Phó trưởng Phòng TN-MT Điện Bàn phụ trách về khoáng sản cho biết: Từ năm 2013-2014, Sở TN-MT Quảng Nam đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp là Cty 501, Cty An Thịnh và Cty Phước Lợi khai thác cát ở một số điểm mỏ tại các xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Thọ nằm ven sông Thu Bồn trong thời hạn 5 năm. Theo đó, việc khai thác chỉ được tiến hành từ 5 giờ đến 17 giờ chiều. Địa phương cũng thành lập Tổ kiểm tra khoáng sản liên ngành với biên chế hơn 10 cán bộ, được trang bị 2 chiếc bo bo cùng dụng cụ thiết yếu để tuần tra.

Tuy nhiên, qua thông tin người dân phản ánh và quan sát thực tế của chúng tôi, trong mỗi đêm có cả chục chiếc tàu hút trái phép tại thôn Kỳ Lam, nằm ngoài những địa điểm đã được cấp phép đang diễn ra hết sức phức tạp. Được biết, thời gian qua, các địa phương dọc các tuyến sông Thu Bồn, đã diễn ra tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng làm thiệt hại hàng nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Việc khai thác cát trái phép diễn ra cũng làm thất thu rất lớn nguồn ngân sách của Nhà nước, việc thực thi Luật Khoáng sản lỏng lẻo, ảnh hưởng về KT-XH, phức tạp về ANTT.

Dư luận đặt câu hỏi, tại địa phương có cả một lực lượng, phương tiện hùng hậu để quản lý nhưng vì sao vẫn “bất lực” một cách khó hiểu đối với “vấn nạn” cát tặc trên sông Thu Bồn? Câu trả lời xin được dành cho chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam.