Ô nhiễm làng nghề bủa vây Hà Nội

ThienNhien.Net – Để giải quyết “vấn nạn” ô nhiễm cho các làng nghề của Hà Nội, cần có một đơn vị xử lý chất thải chuyên nghiệp ra tay.

Ô nhiễm sông Tô Lịch. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Ô nhiễm sông Tô Lịch. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Hà Nội hiện có đến 1.350 làng nghề, trong đó có gần 300 làng nghề truyền thống được công nhận. Tuy nhiên, công tác xử lý chất thải tại hầu hết các làng nghề này chưa được đầu tư đúng mức, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Để giải quyết “vấn nạn” ô nhiễm cho các làng nghề của Hà Nội, cần có một đơn vị xử lý chất thải chuyên nghiệp ra tay.

Ô nhiễm và… ô nhiễm

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Quan trắc – Phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội và điều tra của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội tại hơn 40 làng nghề trên địa bàn thành phố như làng nghề sơn mài Hạ Thái, bánh dày Thượng Đình, cơ khí Liễu Nội (Thường Tín), làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai (Hoài Đức), Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai), Phú Đô (Nam Từ Liêm)… cho thấy, môi trường nước, không khí, đất đai bị ô nhiễm nặng bởi các chất hóa học độc hại.

Nguồn nước ngầm bị nhiễm nặng COD, NH4, phenol; hàm lượng Ecoli, coliform, kim loại nặng như As, Hg “vượt ngưỡng” cho phép nhiều lần. Hầu hết ao, hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc bởi các chất như SS, BOD5, NH4, NO2¸PO4, Hg, phenol, dầu mỡ, coliform. Còn môi trường đất bị nhiễm các kim loại nặng như đồng, kẽm…

Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có cuộc điều tra về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở làng nghề bún Phú Đô, kết quả cho thấy, cứ SX hơn 10.000 tấn sản phẩm thì có gần 77 tấn COD, hơn 53 tấn BOD5 và 9,38 tấn SS thải ra môi trường.

Xét nghiệm mẫu nước thải tại Phú Đô cho kết quả, hàm lượng chất BOD vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3 – 4 lần, các chất hữu cơ, nitơ, phốt pho trong nước thải rất cao, môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nguyên nhân là hầu hết các cơ sở SX, hộ gia đình chỉ đầu tư cho dây chuyền SX và gần như không quan tâm đến việc xử lý chất thải ra sao. Tại khu vực SX cũng như cống rãnh ở các làng nghề chế biến nông sản trên địa bàn huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Ba Vì… đều có lượng chất thải lớn, bốc mùi hôi nồng nặc.

Các làng nghề như cơ khí Thanh Thùy (Thanh Oai), Liên Bạt (Ứng Hòa), Nhị Khê (Thường Tín), Phùng Xá (Thạch Thất) không chỉ nguồn nước bị ảnh hưởng của nước thải từ công đoạn mạ, cán phôi thép, mà không khí cũng đặc quánh bụi thép.

Tại các làng nghề dệt nhuộm Vạn Phúc (Hà Đông), La Phù (Hoài Đức)… nước thải xả thẳng ra cống rãnh khiến nguồn nước chuyển màu đen đặc, bốc mùi nồng nặc… Bầu không khí tại các làng nghề sơn mài, mây, tre, giang đan cũng quyện đầy mùi dung môi sơn, hóa chất, làm giảm trí lực, thị lực và gây ra nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp, da liễu, đường ruột… cho người trực tiếp SX cũng như cư dân trong khu vực.

Mới đây, một loạt ao cá của người dân tại các xã Phương Tú, Liên Bạt (Ứng Hòa) bị nhiễm nước thải từ làng nghề chưa qua xử lý khiến cá chết trắng mặt nước.

Giải pháp “Hoài Nam – Hoài Bắc”

Thực tế, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường ở Hà Nội đã được lãnh đạo TP quan tâm từ lâu, được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND. Một trong những nội dung chính của nghị quyết này là “Hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề” và được ngân sách TP hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình, trạm xử lý nước thải đầu mối của khu thu gom xử lý nước thải tập trung; khu tập kết chất thải rắn.

Để triển khai nghị quyết này UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND. Quyết định này hiện đang được lãnh đạo TP.Hà Nội chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Sở Công thương được giao nhiệm vụ xây dựng, lập kế hoạch, sau đó phối hợp với đơn vị thực hiện dự án.

“Vừa qua, chúng tôi đã hoàn tất giai đoạn cuối dự án xử lý chất thải chăn nuôi cho Ngọc Lũ, xã nuôi heo lớn nhất miền Bắc ở huyện Bình Lục, Hà Nam. Dự án không chỉ được lãnh đạo từ tỉnh đến xã đánh giá cao mà người dân Ngọc Lũ cũng rất mong làm sớm. Lẽ ra dự án đã có thể khởi công, nhưng còn “vướng” một chút thủ tục hành chính và đang được lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam “gỡ”. Hy vọng cái vướng nhỏ này sẽ được giải quyết sớm để chúng tôi có thể bắt tay vào làm”, ông Huỳnh Viết Thanh.

Và, đơn vị được Sở Công thương, UBND TP. Hà Nội “chọn mặt”, giao nhiệm vụ này là Tập đoàn Hoài Nam – Hoài Bắc, một DN nhiều kinh nghiệm xử lý môi trường với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều dự án lớn như hệ thống xử lý chất thải cho tập đoàn bò sữa Vinamilk, Tổng Công ty Chăn nuôi Phú Sơn, các công ty chế biến hải sản ở khu vực ĐBSCL…

Trước khi chọn Hoài Nam – Hoài Bắc thực hiện các dự án xử lý chất thải cho Hà Nội, ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã dẫn đầu đoàn công tác gồm Sở NN-PTNT, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đi tham quan dự án xử lý chất thải chăn nuôi Phú Sơn của Cty CP Chăn nuôi Phú Sơn (Trảng Bom, Đồng Nai), quy mô 45.000 con heo.

Đây là hệ thống xử lý chất thải, thu hồi biogas phát điện theo cơ chế phát triển sạch CDM do Hoài Nam – Hoài Bắc thiết kế, thi công theo công nghệ hiện đại nhất mà các nước châu Âu đang áp dụng.

Tại phía Bắc, Hoài Nam – Hoài Bắc đã thực hiện thành công các dự án xử lý chất thải cho trang trại chăn nuôi của Cty Việt Hưng (TX Sơn Tây, Hà Nội), trang trại chăn nuôi Hoà Mỹ (Ứng Hoà, Hà Nội).

Sau khi có kết quả thẩm định năng lực của Hoài Nam – Hoài Bắc, ngày 19/3 vừa qua, ông Trần Xuân Việt đã có buổi làm việc và chỉ đạo Hoài Nam – Hoài Bắc phối hợp Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án xử lý ô nhiễm các làng nghề tại Hà Nội.

Trước đó, ngày 17/3, trong buổi làm việc với đại diện Sở TN-MT, Sở Công thương và các ban ngành liên quan, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội cũng đã chỉ đạo Hoài Nam – Hoài Bắc làm việc với Sở Công Thương để xúc tiến các bước hồ sơ thực hiện dự án “xử lý môi trường làng nghề”.

Nếu không có gì thay đổi và công tác chuẩn bị suôn sẻ thì đầu năm 2016, một dự án mẫu xử lý chất thải của Tập đoàn Hoài Nam – Hoài Bắc sẽ bắt đầu tại một làng nghề ở Hà Nội. Sau đó, dự án lần lượt đến các làng nghề khác. Mục tiêu cuối cùng là giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội.

Có thể nói, đây là một dự án lớn, đòi hỏi doanh nghiệp có năng lực và bề dày kinh nghiệm. Nhưng, khi trả lời câu hỏi: “Có kham nổi không?” của tôi, ông Huỳnh Viết Thanh, TGĐ Tập đoàn Hoài Nam – Hoài Bắc khẳng định chắc nịch, không chút đắn đo: “Được chứ!”.

Ông Thanh cũng cho biết, ngày 31/3 vừa qua, Hoài Nam – Hoài Bắc là một trong 3 tổ chức trên cả nước được Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đề xuất xét tặng “Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2015”.