Đắc Lắc căng mình chống hạn: Chuyển nước, biến sông suối khô kiệt thành kênh thủy lợi

ThienNhien.Net – Khoảng 15.000 người thiếu nước sinh hoạt, 32.000ha cây trồng bị hạn, tổng thiệt hại 1.000 tỉ đồng là số liệu do Sở NNPTNT Đắc Lắc thống kê đến ngày 3.4. Trước tình hình khô hạn khốc liệt, ngoài các biện pháp truyền thống, các đơn vị, địa phương tại Đắc Lắc đã phải đào kênh, bơm chuyển nước từ công trình thủy lợi này sang công trình thủy lợi khác, thậm chí xả nước từ các hồ chứa lớn ra những dòng sông, con suối đã khô kiệt để đưa nước về cứu nguy hạ du.

Hơn 100 hồ đập… trơ đáy

Gần một tháng nay, ngày nào ông Trần Văn Phúc (buôn Yang Reh, xã Yang Reh, Krông Bông) cũng đi mua nước ở giếng khoan cách nhà 2km, mỗi can giá 10.000 đồng, ngày tằn tiện lắm cũng hết 5 can. Bởi vậy phải tiết kiệm tối đa, rửa rau xong thì dùng tắm giặt, sau đó đem tưới rau hoặc cho heo bò, gà vịt uống. Không chỉ riêng ông Phúc, cả huyện Krông Bông có hơn 1.360 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở các xã Hoà Lễ, Yang Reh, Ea Trul, Khuê Ngọc Điền, Hoà Thành và Cư Kty (150 hộ)… Tại TP.Buôn Ma Thuột, hiện Cty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắc Lắc chỉ đáp ứng được 75 – 80% nhu cầu dùng nước của người dân, do vậy nhiều khu vực đã cúp nước luân phiên. Theo Sở NNPTNT Đắc Lắc, tổng số hộ thiếu nước sinh hoạt tính đến ngày 3.4 là hơn 3.000 hộ, tình trạng người dân phải đi vài cây số để gùi nước hoặc phải đi mua từng can nước với giá đắt đỏ về dùng đang trở nên phổ biến.

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, con suối Ea M’đroh, nơi cung cấp nước tưới cho hàng trăm hécta càphê, lúa nước của xã Ea M’đroh (huyện Cư M’gar) đã cạn trơ đáy. Dù rẫy chỉ cách con suối này vài trăm mét, nhưng ông Lý Văn Lù (thôn Hợp Hòa) vẫn phải đi mua nước từ nơi khác, chở từng bồn nhỏ về tưới cho 5 sào càphê.

Ông Mai Trọng Dũng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đắc Lắc – cho biết, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 102 công trình thủy lợi khô cạn, nhiều hồ chứa khác chỉ còn 1/3 dung tích, các sông suối vừa và nhỏ cũng không còn giọt nước. Trong khi đó, do bơm tưới càphê, mực nước ngầm cũng tụt sâu từ 3 – 6m so với trung bình nhiều năm, khiến hàng trăm giếng đào, giếng khoan tại nhiều vùng cạn kiệt. Tính đến ngày 3.4, toàn tỉnh có gần 32.000ha cây trồng bị hạn, trong đó hàng nghìn hécta mất trắng, thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng. Còn theo Sở Công Thương Đắc Lắc, mực nước tại các hồ chứa thủy điện cũng xuống nhanh, lưu lượng về hồ giảm khoảng 30%, khiến sản lượng điện giảm tương đương. Một số nhà máy chỉ còn phát điện 3 giờ/ngày, giảm 2 giờ so với cùng kỳ nhiều năm, riêng thủy điện Ea Đrăng 2 của Cty Thủy điện Điện lực Đắc Lắc đã ngừng hoạt động từ ngày 16.2.

Đào ao dưới đáy hồ chứa nước Kring - xã Ea Sin, huyện Krông Búc - để lấy nước cứu cây trồng. (Ảnh: Đ.T.K)
Đào ao dưới đáy hồ chứa nước Kring – xã Ea Sin, huyện Krông Búc – để lấy nước cứu cây trồng. (Ảnh: Đ.T.K)

Không thể “còn nước còn tát”

Trước tình hình khô hạn khốc liệt, tiểu ban chống hạn thuộc UBND tỉnh Đắc Lắc đã chỉ đạo chính quyền, người dân tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, quản lý và điều tiết nước hợp lý, dùng máy bơm đưa nước từ sông, hồ, đập, giếng vào ruộng cứu lúa…

Tại huyện Krông Pắc, Phòng NNPTNT đang hối thúc đơn vị tư vấn tính toán, thi công ngay 1.500m kênh đào đưa nước từ cuối kênh thủy lợi Krông Búc Hạ về cứu nguy 600ha lúa ở xã Ea Ô và xã Ea Kmút sắp mất trắng. UBND huyện cũng chỉ đạo xả nước từ công trình thủy lợi Krông Buk Hạ xuống suối Nước Đục để dẫn về hạ du. Cách làm này cũng được huyện Ea H’leo áp dụng, xả nước từ hồ Ea Ral 1 xuống hồ Ea Ral 2 để tưới cho vùng hạ lưu. Còn huyện Krông Ana thì dùng ống nhựa dẻo bơm nước từ sông Sêrêpốk vào suối, ao hồ nhỏ, rồi bơm chuyền tiếp lên ruộng lúa…

Ông Nguyễn Hoài Dương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT – lo lắng nói: “Với đà khô hạn khốc liệt này thì chỉ đến cuối tháng 4, diện tích cây trồng bị hạn sẽ tăng lên 40.000ha, số hộ thiếu nước lên khoảng 6.000 hộ với khoảng 30.000 người”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đại Ngưỡng – Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đắc Lắc – thì không thể tiếp tục chống hạn kiểu “còn nước còn tát”. Phải chấp nhận hy sinh ngay những diện tích lúa, hoa màu nào chắc chắn không còn đủ nước trong vòng 1 tháng nữa, để dành nước cho các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị cao hơn, hoặc ít nhất cũng chắc ăn hơn.