TP.Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Ngày 9-3, Chính quyền thành phố Rotterdam (Hà Lan) đã phối hợp với Lãnh sự quán Hà Lan và Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) cho các thành phố vùng châu thổ.

Theo ông Nguyễn Hữu Tín- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tại cuộc họp lần thứ 6, Ủy ban quốc gia về BĐKH ngày 3-3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, BĐKH không phải là chuyện xa vời và Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành các chính sách để thu hút khu vực tư nhân, người dân tham gia các dự án ứng phó với BĐKH. Ông Tín cho biết, chính quyền TP.HCM cũng đang nỗ lực giải quyết các điểm ngập úng do triều cường và mưa lớn gây ra. “Nếu hoạt động đơn lẻ sẽ không giải quyết được các tác động ngày một rõ ràng của BĐKH, do vậy việc hợp tác, hỗ trợ qua lại các kinh nghiệm, hay trao đổi công nghệ ứng phó của các thành phố nói chung, hay như mô hình hợp tác giữa TP.HCM và TP Rotterdam nói riêng cần phải được phát huy”- ông Tín nói.

Đánh giá của ông Ahmed Aboutaleb- Thị trưởng TP Rotterdam, hai thành phố có nhiều điểm chung, đó là có dân số đông, vị trí địa lý thuận lợi để phát triển một nền kinh tế năng động nhưng lại nằm ngay nơi phải gánh chịu nhiều thiệt hại do tác động tiêu cực của BĐKH như tình trạng ngập lụt, sạt lở đất, ô nhiễm môi trường: “Chúng ta phải chấp nhận đây là một thực tế, để từ đó biến những điều bất lợi thành có lợi, biến những cái không thể thành điều có thể. Như các bạn biết, đất nước Hà Lan có 60% là vùng ngập nước, nếu kịch bản nước tăng 1m, hầu hết diện tích đất nước Hà Lan sẽ ngập chìm trong nước. Ý thức được điều đó, hơn nửa thế kỷ qua, chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp và đến nay, Hà Lan được đánh giá là một đất nước có khả năng ứng phó tốt với những biến động của thiên tai. Chúng tôi sẵn sang chia sẻ với TP.HCM và các khu vực khác của Việt Nam”.

Ông Ennico Moes- Giám đốc Chương trình các thành phố thích ứng Grontmij – Vương quốc Hà Lan chia sẻ, “Hà Lan xây dựng nhiều công trình ngăn nước nhưng những vùng bên trong lại bị ảnh hưởng như: thủy hải sản, thảm thực vật, môi trường nước không còn tự nhiên. Cho nên, khi xây dựng những công trình, các bạn cần phải lường trước những yếu tố này. Hiện nay chúng tôi phải điều chỉnh lại để tìm ra phương pháp thích ứng cho phù hợp hơn. Chúng tôi đang thực hiện theo hướng bền vững của những công trình”.

Đại diện các chuyên gia Hà Lan cho biết thêm, trước mắt không thể đưa ra ngay giải pháp chung nào mà phải có những chiến lược từng phần, phù hợp với điều kiện cụ thể của TP.HCM. Hay nói cách khác, ban đầu thực hiện những biện pháp nhỏ, ngắn hạn, để kiểm nghiệm tính hiệu quả trước khi thực hiện đồng bộ, quy mô lớn.