Khi cưa máy được quản lý, giám sát sử dụng

ThienNhien.Net – Thực tế trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn, ở nơi nào cưa máy được quản lý, giám sát trong quá trình sử dụng thì ở đó rừng đặc dụng và lâm sản quý hiếm được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, số lượng cưa máy chưa được quản lý còn nhiều và rừng sẽ tiếp tục bị cưa hạ nếu số cưa máy này không được quản lý.

Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cất giữ, quản lý cưa máy sử dụng đúng mục đích. (Ảnh: Thế Bình)
Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cất giữ, quản lý cưa máy sử dụng đúng mục đích. (Ảnh: Thế Bình)

Các thôn Cốc Phia, Nà Dường, Thẳm Mu và Là Lẹng thuộc xã Ân Tình, huyện Na Rì ngay cạnh Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ- nơi có nhiều lâm sản quý hiếm, trong đó có gỗ nghiến.

Những năm trước đây, nhiều hộ dân trong các thôn này “thi nhau” mua sắm cưa máy, vào rừng hạ gỗ nghiến, cưa thành thớt mang bán. Thậm chí, “đầu nậu” thuê cưa nghiến đổ là trả tiền, sau đó thuê những người khác cưa thành thớt rồi vận chuyển lên biên giới phía bắc tiêu thụ.

Vì thế, nhiều khu rừng gỗ nghiến ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ bị hạ la liệt. Thực hiện Quyết định 1718/2012/QĐ- UBND, ngày 19-12-2012, của UBND tỉnh Bắc Cạn về Quy chế quản lý, sử dụng cưa xăng, phương tiện độ chế tại các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh, toàn bộ số cưa xăng ở bốn thôn Cốc Phia, Nà Dường, Thẳm Mu và Là Lẹng được đưa về các trạm, chốt kiểm lâm quản lý, người dân sử dụng cưa xăng làm việc gì, ở đâu được giám sát.

Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi đầu tư nhiều công sức, thời gian trong quá trình thực hiện Quyết định 1718 của UBND tỉnh, khi toàn bộ số cưa xăng ở bốn thôn thuộc xã Ân Tình được đưa về các trạm, chốt kiểm lâm quản lý, khi người dân báo sử dụng vào việc gì, ở đâu, thời gian bao nhiêu thì đến lấy, nếu không đến lấy được thì kiểm lâm sẽ mang cưa đến tận nhà cho người dân”.

Hai năm qua, toàn bộ số cưa máy ở bốn thôn được quản lý, giám sát sử dụng, đi đôi với tuyên truyền, giáo dục thì Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ không bị các hộ dân bốn thôn này tàn phá nữa.

Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát sử dụng cưa máy như ở xã Ân Tình chưa được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của lực lượng kiểm lâm, 87 thôn ở trong vùng lõi, vùng đệm Vườn quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh nam Xuân Lạc và Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ có 1.048 cưa máy, nhưng đến nay có 668 cưa máy được kiểm lâm cấp đăng ký sử dụng, đưa về trạm, chốt kiểm lâm quản lý được 131 cưa máy.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Cạn Hoàng Văn hải trăn trở: “Dù kiểm lâm có đông gấp mấy lần hiện nay cũng không thể bảo vệ được rừng hiệu quả nếu cưa máy chưa được đưa về các trạm, chốt kiểm lâm quản lý, giám sát sử dụng. Vì thế, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để quản lý phần lớn số cưa máy hiện có trên địa bàn”.

Để quản lý số cưa máy mà thời gian qua chưa quản lý được, tới đây lực lượng kiểm lâm ở các địa bàn tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục để các gia đình có cưa máy đưa về các chốt, trạm kiểm lâm, trưởng thôn quản lý.

UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, thông báo rộng rãi trong xã hội quy định của pháp luật, ai mang cưa máy vào các khu rừng đặc dụng, nếu kiểm lâm phát hiện thì sẽ thu. Đồng thời, sửa đổi Quy chế quản lý, sử dụng cưa xăng, phương tiện độ chế tại các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với thực tiễn; giao thêm trách nhiệm quản lý cưa máy cho các trưởng thôn, bản, chính quyền xã.

Ông Hải cho biết: Kiểm lâm các địa phương củng cố cơ sở vật chất, bảo đảm cất giữ cưa máy an toàn, tạo điều kiện cho nhân dân sử dụng cưa máy đúng mục đích một cách tiện lợi nhất.