Nhiều tồn tại trong quản lý và bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Chế tài xử lý các hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn chưa đủ sức răn đe nên một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xả thải trực tiếp ra môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra môi trường. (Ảnh: Đỗ Hòa)
Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra môi trường. (Ảnh: Đỗ Hòa)

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên- Môi trường) cho biết: Trong năm 2014, có 63/63 tỉnh, thành phố thực hiện việc thu phí môi trường đối với nước thải. Riêng đối với phí bảo vệ môi trường nước thải khu công nghiệp (KCN) thu được khoảng 46,8 tỷ đồng. Đồng thời, tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 42 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 7 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra môi trường đã kịp thời phát hiện nhiều vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nghiêm trọng để xử lý, như vi phạm của các công ty sản xuất hóa chất KCN Tằng Loỏng thuộc tỉnh Lào Cai, công ty TNHH Thép Đồng Tiến, Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Phúc Lợi…

Mặc dù vậy, hiện nay cả nước mới chỉ có 148/194 KCN có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải mới chỉ xử lý được khoảng 60% lượng nước thải phát sinh, lượng còn lại một phần do các cơ sở tự xử lý, một phần được xả trực tiếp ra môi trường.

Theo ông Hoàng Dương Tùng- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: “Vẫn còn nhiều tồn tại trong quản lý và bảo vệ môi trường ở một số khu kinh tế, KCN. Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường và thực hiện các quy định quản lý chất thải tại các KCN còn nhiều khó khăn, chậm tiến độ”.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Môi trường (C49) qua 7 năm hoạt động (2006- 2013) đã phát hiện, điều tra, xử lý 43.300 vụ vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 1.023 vụ đối với 1.895 đối tượng. Tuy nhiên, số vụ xử lý hình sự chiếm chưa tới 2% tổng số vụ vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường và an toàn thực phẩm bị phát hiện và xử lý trong 7 năm.

Bà Nguyễn Hoàng Phượng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên nhận định: Việc giám sát thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính  đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa nghiêm dẫn đến nhiều trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện nửa vời, như đóng tiền phạt nhưng không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo ông Tùng, hiện cả nước có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất nên vẫn chưa thể kiểm soát hết vấn đề gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra vẫn còn hạn chế.

Để nâng cao công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, theo ông Tùng, Nghị định 179 về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường đang được sửa đổi sẽ nâng mức xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường gấp nhiều lần.