Đền bù Dự án Thủy điện Sông Tranh 2: Gần 10 năm vẫn chưa dứt điểm?

Bài 1: Gần 10 năm đi đòi quyền lợi

ThienNhien.Net – Một số hộ dân có diện tích đất nằm trong diện được đền bù bởi Dự án thủy điện Sông Tranh 2 (H. Bắc Trà My, Quảng Nam) đã được các ngành chức năng xác nhận. Thế nhưng gần 10 năm qua, họ ôm đơn kêu cứu khắp nơi vẫn không được các ngành chức năng giải quyết dứt điểm.

Nguồn gốc đất

Năm 1995-1996, các hộ gia đình gồm: Nguyễn Nam Mạnh (1965), Nguyễn Nam Đô (1959), Nguyễn Thanh Đổi (1975, cùng trú xã Trà Bui, H. Bắc Trà My), Trần Mùi (1962, trú TT Trà My, H. Bắc Trà My) và Nguyễn Xuân Tâm (1964, trú xã Trà Tân, H. Bắc Trà My, Quảng Nam) tham gia các dự án trồng rừng với Lâm trường Trà My cũ (nay là BQL dự án trồng rừng Sông Tranh) với diện tích gần 20ha, cụ thể: hộ ông Nguyễn Nam Mạnh diện tích 4,2ha, Nguyễn Nam Đô diện tích 3,3ha, Nguyễn Thanh Đổi diện tích 3,2ha, Trần Mùi diện tích 1,5ha, Nguyễn Xuân Tâm diện tích 7,7ha. Nguồn gốc đất do các hộ gia đình khai hoang vỡ hóa từ trước năm 1995. Đây là dự án trồng rừng do Lâm trường Trà My cũ và UBND xã Trà Bui vận động nhân dân tham gia để được hưởng lợi từ các dự án theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhằm tránh tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy.

Đất của các hộ dân bị giải tỏa gần 10 năm nay để làm thủy điện nhưng vẫn chưa được đền bù. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Đất của các hộ dân bị giải tỏa gần 10 năm nay để làm thủy điện nhưng vẫn chưa được đền bù. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Đến năm 2007, các diện tích đất trên của các hộ dân trúng vào dự án xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2). Theo đó, các hộ dân đã được kiểm kê bồi thường về cây cối, hoa màu trên đất, nhưng đất chưa được bồi thường. “Trong khi đó, tại địa phương có khoảng 33 hộ tham gia các dự án trồng rừng với Lâm trường Trà My cũ giống như các hộ gia đình chúng tôi, thì đến nay có khoảng 27 hộ đã được bồi thường về quyền sử dụng đất. Các hộ gia đình chúng tôi liên tục khiếu kiện từ năm 2007 đến nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, mặc dù Hội đồng tư vấn đất đai của xã Trà Bui gồm nhiều thành phần và các cơ quan chức năng của H. Bắc Trà My cũng đã xác minh nhiều lần và đều kết luận: Nguồn gốc quản lý sử dụng đất nêu trên là của các hộ gia đình chúng tôi”, ông Nguyễn Nam Mạnh bức xúc cho biết.

Chính quyền xác nhận

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, liên quan đến giải quyết những khiếu nại của các hộ dân trên, ngày 5-4-2007, BQL dự án trồng rừng Sông Tranh có báo cáo số 44/BC-BQL về giải quyết việc hưởng lợi các dự án trồng rừng bị ngập nước lòng hồ TĐST2. Cụ thể, báo cáo nêu rõ: “Đất rừng trồng nguyên trước đây là rẫy của dân, chủ Dự án vận động nhân dân tham gia trồng rừng nên các hộ được hưởng lợi về đất trồng”.

Biên bản cuộc họp của các ngành chức năng khẳng định diện tích đất trên là của các hộ dân khai phá, không có tranh chấp. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Biên bản cuộc họp của các ngành chức năng khẳng định diện tích đất trên
là của các hộ dân khai phá, không có tranh chấp. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Hay trong Công văn số 1006/UBND-HDST2 ngày 3-10-2012 của ông Đặng Phong – Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My đã thể hiện: UBND H. Bắc Trà My đã lập phương án bồi thường bổ sung diện tích đất trên trình UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam thẩm định và phê duyệt tại Tờ trình số 25/TTr-HDDST2 ngày 26-9-2012.

Và mới đây ngày 28-8-2014, UBND H. Bắc Trà My cũng có Thông báo số 212/TB-UBND của ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện tại buổi làm việc với các ngành và địa phương để xác định nguồn gốc đất của các hộ gia đình trên, thông báo nêu rõ: Qua làm việc với các ngành chức năng đã đi đến thống nhất: Đối với diện tích của các hộ dân (gồm Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Nam Đô, Trần Mùi, Nguyễn Xuân Tâm, Hồ Văn Hạnh, Nguyễn Thanh Đỗi, Hồ Thanh Vân) xét thấy có đầy đủ cơ sở pháp lý để xác nhận đây là đất sản xuất thuộc quyền sở hữu sử dụng của các hộ nêu trên. Để tiếp tục giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC công trình TĐST2 trong thời gian đến, UBND huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả xác định nguồn gốc đất các hộ liên quan trên cho UBND tỉnh và các ngành chuyên môn của tỉnh; kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương xác lập hồ sơ bồi thường theo quy định.