Tâm tư với đồng cỏ bàng Phú Mỹ

ThienNhien.Net – Chuyến ghé thăm cánh đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang của chúng tôi vào giai đoạn chuyển mùa khá may mắn vì sếu đầu đỏ về rất nhiều. Nghe những cán bộ Khu bảo tồn nói lại, đợt ấy thậm chí có ngày các anh đếm được đến 120 con.

Ngay từ sáng sớm, lúc mặt trời vừa ló rạng chân trời, sương mù còn giăng trắng một lớp mỏng như lụa khắp cánh đồng ẩm ướt, thì từng đàn sếu đã hạ cánh. Đôi cánh đang dang rộng, sếu bay thấp dần rồi từ từ thả đôi chân chuẩn bị tiếp đất, trông như những chiếc tàu bay ngộ nghĩnh. Có lẽ do đặc điểm về hình thái nên khi vỗ cánh bay, sếu đầu đỏ đã tạo ra nên hình tượng kỳ ảo như trong các câu chuyện cổ tích, như loài chim hạc thần tiên.

Một cán bộ của Khu bảo tồn Đồng cỏ bàng Phú Mỹ cho biết khu bảo tồn đang duy trì được diện tích 1.200 ha đồng cỏ và rừng tràm tự nhiên, phục hồi 60 ha đồng thời trồng mới 20 ha cỏ bàng. Hệ sinh thái đang hồi phục để thu hút sếu đầu đỏ về.

Tuy nhiên, nhìn những khoảng da beo màu vàng của lúa xen lẫn với màu xanh của cỏ năng chúng tôi không khỏi lo lắng và xót xa. Dường như năm nay những người nông dân nghèo khó trong xã Phú Mỹ đã gieo lúa “trộm” ra đến tận giữa cánh đồng cỏ năng mà không ai phát hiện, nhưng rồi lúa cũng chết cháy vì thiếu nước và lép hạt… Giá mà cứ để nguyên đất hoang như thế cho cây cỏ năng mọc tự nhiên thì hay hơn, chắc đàn sếu sẽ về nhiều hơn.

Phía xa xa, hai chiếc máy gặt liên hợp đang ào ào hối hả gặt lúa. Một cậu bé người Khơ Me nhanh tay giương súng cao su bắn đuổi chim đến ăn lúa. Những chiếc xáng đang cạp từng tảng đất lớn làm đầm nuôi tôm…

Dường như cánh đồng hoang sơ ngày càng trở nên quá nhỏ bé so với những gì đang xảy ra xung quanh. Một cuộc tranh giành sự sống vẫn đang âm ỉ diễn ra giữa một bên là đàn sếu cố gắng nhặt lấy những củ năng nhỏ bé còn sót lại, còn bên kia những người dân đang ra sức khai hoang biến dần dần cánh đồng cỏ năng thành đồng lúa. Chợt chạnh lòng nghĩ về tâm tư của những người làm bảo tồn chúng tôi, đôi khi cũng thấy buồn, vì cố gắng nhiều mà chưa được bao nhiêu.

Tạm biệt đàn sếu, năm sau không biết chúng tôi có còn được nhìn thấy cái cảnh đẹp của thiên nhiên như năm nay nữa hay không? Cuộc chiến tranh giành đất đai giữa con người và đàn sếu đầu đỏ vẫn còn tiếp tục nóng bỏng. Tất cả tùy thuộc vào sự nhận thức của con người.

Sếu đầu đỏ có tên khoa học là Grus antigone, là một loài chim quý hiếm thuộc họ Sếu (Gruidae), có giá trị rất cao và độc đáo về cả thẩm mỹ và sinh học. Hiện nay Sếu đầu đỏ đang được cộng đồng quốc tế trong đó có Việt Nam bảo vệ nghiêm ngặt.