Hãi hùng hóa chất độc hại

ThienNhien.Net – Việc bày bán các loại hoá chất tại chợ Kim Biên (quận 5, TP. Hồ Chí Minh) đã diễn ra trong nhiều năm qua. Điều đó ngày càng mang lại nỗi lo cho người tiêu dùng do việc các hóa chất này được tẩm ướp vào thực phẩm. Thực tế cho thấy, đã có không ít trường hợp dùng hóa chất công nghiệp thay cho phụ gia thực phẩm.

Hóa chất bày bán tại chợ Kim Biên (Ảnh: S.Xanh/Đại Đoàn Kết)
Hóa chất bày bán tại chợ Kim Biên (Ảnh: S.Xanh/Đại Đoàn Kết)

“Thời đại này làm gì có quán nào lụi cụi hầm xương cho nồi nước lèo. Vì muốn có nồi nước lèo hương vị thịt heo hay thịt bò chúng tôi đều đáp ứng đủ”- chủ một cửa hàng lên tiếng về công dụng của hóa chất thực phẩm. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho khách hàng, tiểu thương chuyên kinh doanh hóa chất không ngừng giới thiệu công dụng “đặc trị” của mỗi loại hóa chất.

Ví dụ, có thể kể đến hoá chất Magnesium Sunlfate tẩy vải sợi được dùng vào việc tẩy trắng ngó sen, dừa, rau, bún… Nhưng đặc biệt hơn, việc phù phép những miếng thịt heo ôi hay heo bệnh trở thành thịt heo tươi ngon hoàn toàn đơn giản, chỉ vì có hóa chất. Thậm chí, muốn thịt heo thành thịt bò cũng không khó khăn gì. Ngay cả việc không cần có hạt cà phê vẫn có thể biến thành một ly cà phê chồn thơm ngon cho thực khách. Ấn tượng nhất là dùng đường tây tạo siêu ngọt cho nước lèo. Theo giới tiểu thương tại chợ Kim Biên, chỉ cần một ít đường tây là có nồi nước lèo như ý không cần phải hầm xương làm gì cho tốn kém củi, ga.

Vấn đề bất cập hiện nay trong việc sử dụng hóa chất chính là tìm mua phụ gia thực phẩm nhưng vẫn được giới thiệu là hóa chất công nghiệp. Đã thế, lại có không ít khách hàng nằng nặc đòi mua hóa chất công nghiệp để sử dụng trong thực phẩm (!). Theo cơ quan chức năng, liều lượng và công dụng của hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm hoàn toàn khác nhau. Nếu sử dụng hóa chất công nghiệp thay cho phụ gia thực phẩm chi phí sản xuất và chế biến không cao nhưng tác hại thì sẽ khôn lường.

Ghi nhận của phóng viên báo ĐĐK, chợ Kim Biên có 17 sạp được phép kinh doanh các hương liệu màu dùng trong chế biến thực phẩm. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, 17 sạp bán hương liệu màu này bán không dưới 50 mặt hàng, gồm tất cả các chủng loại. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, hóa chất dùng trong công nghiệp và trong thực phẩm được bày bán tràn lan và lẫn lộn. Mối lo ngại nhất hiện nay chính là việc người tiêu dùng mua hóa chất công nghiệp về để dùng như chất phụ gia thực phẩm. Trên thực tế, hoá chất gồm 3 loại: hoá chất hương liệu công nghiệp, hoá chất hương liệu thực phẩm, hoá chất công nghiệp. Tuy nhiên, chính sự thiếu phân biệt rạch ròi và lỏng lẻo trong công tác quản lý của cơ quan chức năng nên nhiều cửa hàng đã lợi dụng kẽ hở để lách luật. Lý giải về khâu quản lý chợ hóa chất, ông Trần Ngọc Hiệp, Trưởng ban quản lý chợ Kim Biên cho biết, Ban quản lý chợ yêu cầu tiểu thương chỉ kinh doanh một mặt hàng phụ gia thực phẩm. Ví dụ, trước khi đưa hàng vào chợ tiểu thương phải kê khai phụ gia tạo mùi.

Hóa chất được dùng làm phụ gia thực phẩm được bày bán công hai  tại chợ Kim Biên, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Giang/Đại Đoàn Kết)
Hóa chất được dùng làm phụ gia thực phẩm được bày bán công hai
tại chợ Kim Biên, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Giang/Đại Đoàn Kết)

Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy

Về việc kinh doanh hóa chất tại chợ Kim Biên, ông Phạm Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND quận 5 cho biết, trên địa bàn quận có khoảng 46 đơn vị, công ty kinh doanh phụ gia thực phẩm; và quận cũng thường xuyên kiểm tra các đơn vị sản xuất nhằm hướng dẫn sản xuất kinh doanh những sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, về lâu về dài cần quy hoạch chợ hóa chất, phụ gia thực phẩm. Chỉ khi nào quy hoạch chợ hóa chất tách biệt mới có thể quản lý tốt được. Điều đó cũng được Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang khẳng định khi yêu cầu Sở Công thương và UBND quận 5 cần phối hợp để có quy hoạch cụ thể chợ hóa chất nhằm đảm bảo khâu quản lý kinh doanh mặt hàng này.

Hóa chất rất đa dạng và phong phú nhưng nếu không quản lý chặt thì không thể tránh khỏi sự lạm dụng hóa chất một cách liều lĩnh.