Thích nghi để giảm thiểu nguy cơ thảm họa tự nhiên

ThienNhien.Net – Theo thống kê, các thảm họa tự nhiên ngày càng xảy ra nhiều hơn và ở mức độ nghiêm trọng hơn. Viễn cảnh thảm họa tự nhiên nghiêm trọng xảy ra nhiều hơn trong tương lai đòi hỏi các chính phủ và cộng đồng quốc tế nỗ lực nhiều hơn để giảm thiểu nguy cơ thảm họa. Con người là tác nhân trực tiếp tạo nên sự biến đổi khí hậu toàn cầu, nguyên nhân cơ bản gây ra những thảm họa tự nhiên, đã đến lúc chính con người phải thực hiện trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu nguy cơ thảm họa.
Thực tế cho thấy các nước nghèo và giàu chịu tác động của thảm họa tự nhiên ở mức độ khác nhau. Các nước nghèo dễ bị tổn thương do thảm họa hơn và ít có khả năng triển khai các biện pháp giảm thiểu nguy cơ thảm họa. Từ 1991-2005, có 884.845 người thiệt mạng do thiên tai tại các nước đang phát triển và kém phát triển nhất thế giới, tổng thiệt hại kinh tế hơn 401 tỉ USD. Trong khi đó các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổn thất 61.918 người và 717 tỉ USD.

Thiên tai có thể phá vỡ tiến trình phát triển của một quốc gia do gây thiệt hại đến sản xuất và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên sử dụng cho tái thiết các hoạt động, đe dọa tới thành công của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Thiên tai tạo ra những áp lực kinh tế-xã hội, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tị nạn môi trường nghiêm trọng. Theo thống kê, thiên tai đã tăng xấp xỉ hai lần trong 20 năm trở lại đây và tổn thất kinh tế còn tăng mạnh hơn. Những cơn bão như Katrina, Rita và Wilma năm 2005 gây tổn thất kỉ lục lên đến 166 tỉ USD. Grenada thiệt hại 919 triệu USD trong cơn bão Ivan năm 2004, gấp 2,5 lần GDP.

Không thể đổ cho biến đổi khí hậu

Thật dễ dàng đổ lỗi cho biến đổi khí hậu vì chính biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới thời tiết, gây ra những thảm họa tự nhiên như các đợt nắng nóng, thay đổi xu hướng khí hậu, hạn hán kéo dài và khốc liệt, mưa lớn và bão lũ liên tiếp ở vùng ven biển và nội địa. Tuy nhiên, căn nguyên sâu xa và quan trọng hơn gây ra thảm họa tự nhiên là sự thiếu khả năng ứng phó và dễ bị tổn thương của cộng đồng trước thiên tai và các hiểm họa tiềm ẩn, đặc biệt là các nước nghèo.

Hiện vẫn còn rất nhiều người đang sinh sống ở những vùng có nguy cơ cao như đồng bằng thường xuyên có lũ, vùng duyên hải phơi mình với bão, vùng sườn đồi hay lở đất, và những cơ sở hạ tầng như trường học, chung cư dễ bị tàn phá khi có lốc xoáy hay động đất.

Sự khai thác không hợp lý của con người cũng góp phần gây nên những thảm họa tự nhiên. Những khu rừng ngập mặn chắn lũ đã bị phá để biến thành đầm tôm, những vùng đầm lầy làm vùng đệm ngăn lũ bị san lấp để xây khu công nghiệp và những khu rừng nhiệt đới giữ nước mưa bị đốn hạ để lấy đất hay gỗ.

Có thể coi xu hướng gia tăng thảm họa là đèn đỏ báo nguy về sự phát triển không bền vững. Nguy cơ thảm họa thường không được chú ý cho tới khi một biến cố nghiêm trọng xảy ra. Lúc đó mọi người mới choáng váng và cố gắng mở các cuộc điều tra, soi xét lại quá khứ để lý giải nguyên nhân.

Thích nghi và hợp tác là lựa chọn tối ưu

Đây là thời điểm tiếp thu các bài học để thay đổi. Có thể coi vụ vỡ đê New Orleans do cơn bão Katrina ở Mỹ là một bài học điển hình. Nguyên nhân được quy là do cách giải quyết không thỏa đáng trong công tác hộ đê New Orleans và sự ứng phó lúng túng của chính quyền trước cảnh báo kịp thời và chính xác về cơn bão Katrina sau những phân tích các yếu tố xã hội và chính trị.

Bên cạnh việc kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính hiện đang là mối quan tâm đối với toàn nhân loại, vấn đề thay đổi để thích nghi với những biến đổi không thể tránh khỏi cũng được đặt ra.

“Thích nghi” cũng là một cách giảm thiểu nguy cơ thảm họa, chẳng hạn như việc lập bản đồ dự báo nguy cơ thảm họa, nâng cao chất lượng quy hoạch đất đai và xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết lập hệ thống dự báo chính xác, hiệu quả, hệ thống bảo hiểm dễ tiếp cận, và các chương trình cho phép cộng đồng đánh giá và kiểm soát những thảm họa.

Nhiều minh chứng thực tế cho thấy sự chủ động giảm thiểu nguy cơ thảm họa mang lại nhiều lợi ích hơn chi phí khắc phục nếu để sự cố xảy ra, chính vì vậy đẩy mạnh hoạt động thích nghi là cực kỳ cần thiết. Trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu, cụ thể là trong kế hoạch hành động Bali, người ta cũng đã quan tâm đến yếu tố này. 

Sau cú sốc sóng thần Ấn Độ Dương, những quan ngại của các quốc gia đã dẫn đến việc thiết lập Cương lĩnh Hành động Quốc tế Hyogo giai đoạn 2005 – 2015 nhằm “giảm thiểu tổn thất về tính mạng, tài sản, tác động xã hội và môi trường của các quốc gia và cộng đồng.”

Cương lĩnh hành động mang tính đột phá này nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa vấn đề giảm nguy cơ thảm họa vào chính sách phát triển bền vững, đồng thời thay đổi nhận thức thiên kiến truyền thống ới thảm họa tự nhiên và hướng tới giải quyết nguyên nhân gốc rễ nguy cơ thảm họa. Cương lĩnh Hành động cũng đặc biệt coi trọng sự cần thiết đẩy mạnh việc tích hợp vấn đề giảm thiểu nguy cơ thảm họa vào chiến lược thích nghi với biến đổi khí hậu, và có thể áp dụng khẩu hiệu “xây dựng khả năng thích nghi trong mỗi quốc gia và cộng đồng” như một phương châm chiến lược.

Tháng 1 năm 2005, 168 quốc gia đã thông qua Cương lĩnh Hành động Hyogo (HFA) tại Hội nghị Giảm nhẹ Thiên tai tổ chức ở Kobe, Hyogo, Nhật Bản.
 
Cương lĩnh Hành động Hyogo (HFA) là một kế hoạch toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai toàn cầu giai đoạn 2005-2015 một cách bền vững.

Dựa trên đánh giá về kinh nghiệm thành công và thất bại trong công tác giảm thiểu nguy cơ thảm họa trong quá khứ, Cương lĩnh Hành động Quốc tế Hyogo đề ra 5 ưu tiên hành động:

– Luôn đặt công tác giảm thiểu nguy cơ thảm họa là ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia và khu vực dưới sự kiểm soát của các chính phủ.
– Nhận định, đánh giá, giám sát mọi nguy cơ thảm họa và tăng cường cảnh báo sớm.
– Vận dụng kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật và giáo dục vào xây dựng một xã hội an toàn, có khả năng thích nghi và ứng phó cao trước các biến cố.
– Giảm thiểu yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn.
– Tăng cường công tác chuẩn bị đối phó với thảm họa ở mọi cấp độ.

Năm vấn đề ưu tiên là cơ sở vững chắc để phát triển đường lối cụ thể cho công tác giảm nguy cơ thảm họa tự nhiên và thích nghi với biến đổi khí hậu. Hiện nay có rất nhiều tổ chức tư nhân cũng như các nhóm liên chính phủ đang áp dụng Cương lĩnh Hành động Hyogo để xây dựng chiến lược và chương trình hành động cho riêng mình, chẳng hạn như Công ước các bộ trưởng châu Á về giảm thiểu nguy cơ thảm họa, Chính sách Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Khí tượng Thế giới về giảm thiểu nguy cơ thảm họa tự nhiên và tái thiết sau thảm họa.

Những yếu tố tạo nên thiên tai hầu hết đều do con người tự tạo ra, xuất phát từ việc khai thác tài nguyên và xây dựng cơ sở hạ tầng chưa hợp lý. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết chúng bằng việc hoạch định và kiểm soát có hiệu quả, tận dụng tối đa những hiểu biết, công cụ và cơ cấu chính sách – đặc biệt là Cương lĩnh Hành động Quốc tế Hyogo – để giảm thiểu nguy cơ thảm họa toàn cầu. Đã đến lúc nhân loại cần tăng cường hành động để đạt được mục tiêu quan trọng này.