Rừng thông phòng hộ ở Đác Nông tiếp tục bị tàn phá nặng nề

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, lực lượng kiểm lâm tỉnh Đác Nông đã phát hiện hàng trăm cây thông trên 30 năm tuổi tại Tiểu khu 1614 rừng phòng hộ cảnh quan Quốc lộ 14 thuộc địa phận thôn 7, xã Nâm N’jang, huyện Đác Song xảy ra hiện tượng rủ lá, héo khô và đang chết dần.

Qua kiểm tra, trên các cây thông bị khô héo có rất nhiều que tre dài khoảng 3-4cm cắm sâu vào thân cây, khi rút ra, đầu các que tre dính hóa chất màu trắng. Diện tích cây thông bị chết khoảng trên một ha, trong đó một số cây đã bị cưa gốc, nằm chổng chơ. Trong khi đó, chung quanh khu vực rừng thông bị “đầu độc” này đã có nhiều diện tích cà-phê, hồ tiêu trên một năm tuổi xanh tốt nằm xen kẽ với rừng thông.

Hàng loạt cây thông hơn 30 năm tuổi thuộc rừng thông phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 đoạn qua xã Nâm N’jang, huyện Đác Song, bị “đầu độc” chết hàng loạt. (Ảnh: Nhân Dân)
Hàng loạt cây thông hơn 30 năm tuổi thuộc rừng thông phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 đoạn qua xã Nâm N’jang, huyện Đác Song, bị “đầu độc” chết hàng loạt (Ảnh: Nhân Dân)

Ông Nguyễn Đức Hạnh, một người dân ở thôn 7, xã Nâm N’jang, cho biết: “Những năm trước đây, rừng thông ở khu vực này còn rất nhiều, nhưng vài năm trở lại đây ngày càng bị thu hẹp, nếu các ngành chức năng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả thì rừng thông phòng hộ này sẽ bị “xóa sổ” trong nay mai”. Theo ông Hạnh, nguyên nhân rừng thông bị tàn phá nặng nề là do những năm gần đây, giá cà-phê, hồ tiêu trên thị trường luôn ổn định ở mức cao nên một số đối tượng đã tìm cách “đầu độc” rừng thông để lấy đất làm nương rẫy. Việc tàn phá rừng thông ngày càng trắng trợn, công khai, ngoài việc đẽo vỏ chung quanh gốc cây thông để cây chết dần chết mòn, các đối tượng còn dùng khoan khoan trực tiếp vào thân cây rồi bơm thuốc trừ sâu vào lỗ khoan và chỉ vài ngày sau, cây thông héo lá, chết dần.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đác Song Nguyễn Văn Thịnh cho biết, thời gian gần đây, tình trạng chặt phá rừng thông phòng hộ cảnh quan dọc quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn huyện diễn biến hết sức phức tạp. Thủ đoạn tàn phá rừng thông cũng hết sức tinh vi như khoan, đục các lỗ để bỏ hóa chất vào thân cây và chủ yếu diễn ra vào ban đêm nên rất khó phát hiện, bắt giữ. Thậm chí, khi cơ quan chức năng phát hiện được hành vi đục, khoan để bỏ hóa chất vào cây thông thì các đối tượng đã vứt bỏ những dụng cụ này nên rất khó bắt quả tang.

Để bảo vệ rừng thông phòng hộ này, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Đác Song và Chi cục Kiểm lâm tỉnh, lực lượng kiểm lâm huyện đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để tuần tra, kiểm soát, nhưng do diện tích rừng thông nằm rải rác, xen kẽ với nhà ở, nương rẫy của người dân và trải dài gần 30 km nên việc canh giữ, bảo vệ rất khó khăn. Vì vậy, để bảo vệ diện tích rừng thông hộ cảnh quan quốc lộ 14 còn lại, ngoài sự nỗ lực của các ngành chức năng, cần sự vào cuộc của chính quyền và các đoàn thể ở địa phương nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời các ngành chức năng của tỉnh và huyện cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các đối tượng tàn phá rừng thông phòng hộ này.