Những “truyền thuyết hiện đại” xung quanh thủy điện Mê Kông

ThienNhien.Net – 10 quan điểm được cho là chưa xác đáng do thiếu thông tin về vấn đề thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đã được tổng kết, giới thiệu trong ấn phẩm Những “truyền thuyết hiện đại” xung quanh vấn đề thủy điện Mê Kông do Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) xuất bản mới đây.

Vấn đề xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đang gây nhiều tranh cãi. Ngoài những con đập đã và sẽ xây dựng ở thượng nguồn dòng sông này tại Trung Quốc, ở hạ nguồn 11 con đập khác cũng đã được đưa vào quy hoạch xây dựng tại Lào và Campuchia.

Hiện đập Xayaburi – con đập đầu tiên xây dựng trên dòng chính hạ nguồn – được khởi công vào tháng 11/2012 tại Lào đã hoàn thiện 30% tiến độ và Lào cũng đã tham vấn các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Kông (MRC) về việc con đập thứ hai, Don Sahong, trên dòng chính.

Người dân sống trên sông Mê Kông (Ảnh: ThienNhien.Net)
Người dân sống trên sông Mê Kông (Ảnh: ThienNhien.Net)

Theo nhiều đánh giá, việc xây dựng các đập thủy điện sẽ tác động tiêu cực tới hệ sinh thái, nguồn nước, phù sa và nguồn lợi thủy sản trong khu vực. Nằm ở phía hạ nguồn, Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quan điểm chưa nhìn nhận đúng mức vấn đề này. Những quan điểm được cho là chưa chính xác được giới thiệu trong ấn phẩm bao gồm:

  1. Các nước xây dựng thủy điện trên dòng chính Mê Kông  trong lãnh thổ quốc gia của họ thì họ có toàn quyền quyết định, không ai có thể can thiệp gì.
  2. Tuy Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều của thủy điện Mê Kông nhưng vì chưa định lượng tổn thất là bao nhiêu cho nên nêu quan ngại là không có cơ sở.
  3. Thủy điện Mê Kông không ảnh hưởng nghiêm trọng đến ĐBSCL vì thủy điện không lấy mất nước, nước đi qua đập rồi cũng sẽ về ĐBSCL và đi ra biển và vì có nói gì trước sau họ vẫn đắp, nên chúng ta cần chủ động tìm biện pháp ứng phó cho ĐBSCL: mất nguồn thủy sản tự nhiên thì có thể phát triển thủy sản nuôi thay thế, mất phù sa thì tăng phân bón, sạt lở thì làm công trình chống sạt lở.
  4. Thủy điện giúp giảm lũ và tăng dòng chảy mùa khô, tốt cho ĐBSCL.
  5. Ở ĐBSCL có nhiều vấn đề khác ảnh hưởng môi trường, đâu chỉ có tác động của thủy điện Mê Kông và ở Việt Nam cũng phát triển thủy điện tràn lan đó thôi.
  6. Lào là nước nghèo, có tiềm năng thủy điện lớn, phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông là cách duy nhất giúp Lào thoát nghèo.
  7. Phát triển thì phải đánh đổi môi trường, không thể khư khư giữ môi trường mãi được
  8. Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, có thể xem là sạch về mặt môi trường và biến đổi khí hậu, và là nguồn năng lượng giá rẻ
  9. Việt Nam nên tham gia xây hai đập trên dòng chính Mê Kông.
  10. Thủy điện dòng chính Mê Kông sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khu vực, không làm thủy điện thì làm sao?

Tác giả của ấn phẩm, ThS. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long đã lần lượt trình bày những lý giải, phân tích để bác bỏ những quan điểm được cho là “truyền thuyết hiện đại này”.