Dự án cáp treo lớn nhất thế giới từng bị bác bỏ

ThienNhien.Net –Việc dự án cáp treo Sơn Đoòng được đề xuất xây dựng tại hang động lớn nhất thế giới nằm trong vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng vừa qua đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà khoa học, các nhà thám hiểm và công chúng trong ngoài nước. Đây không phải là dự án cáp treo gây tranh cãi đầu tiên trên thế giới vì những đánh đổi khó có thể đong đếm giữa giá trị kinh tế và giá trị của tự nhiên, sinh thái, cảnh quan…Tuy nhiên, với sự can thiệp của UNESCO, các nhà khoa học và công chúng yêu thiên nhiên, nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn trên thế giới từng được “cứu” khỏi du lịch đại trà mà các dự án cáp treo mang lại. Cách đây 14 năm, Vườn Quốc gia Sringbrook đã may mắn được trải nghiệm điều đó.

Vườn quốc gia Springbrook nằm trong Khu Bảo tồn Rừng mưa Trung Đông của Úc (CERRA), là một trong những Di sản Thế giới, đứng thứ 5 trên thế giới về đa dạng sinh học. Với diện tích hơn 6.000 ha, VQG Sringbrook thuộc địa phận Gold Coast Hinterland, bang Queensland, trong quần thể núi McPherson Range, là một phần của Nhóm Núi Lửa Hình Khiên thuộc danh sách Di sản Thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1994. Nhờ lượng mưa cao và sự đa dạng của các loại đất có nguồn gốc núi lửa, hệ thực vật nơi đây rất phong phú với những cây sồi 3000 năm tuổi. VQG Springbrook cũng là nơi cư trú của nhiều loài chim và động vật quý hiếm.

Vòm cầu tự nhiên được hình thành qua hàng triệu năm tại VQG Springbrook (Ảnh: www.aussiestudy.hu)
Vòm cầu tự nhiên được hình thành qua hàng triệu năm tại VQG Springbrook (Ảnh: www.aussiestudy.hu)

Dự án cáp treo Naturelink với tổng đầu tư 50 triệu USD được đề xuất vào năm 1998. Theo đó, một cáp treo kéo dài 11,6 km sẽ được xây dựng từ Mudgeeraba đi qua Đường cao tốc Thái Bình Dương đến VQG Spingbrook. Dự án cáp treo lớn nhất thế giới tính đến năm 1998 này khi hoàn thành mỗi giờ sẽ phục vụ 900 khách tham quanvới 180 khoang hành khách.

Chủ đầu tư dự án khẳng định rằng Naturelink có ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường xung quanh, trong khi có thể mang lại lợi ích cho người dân địa phương thông qua thúc đẩy phát triển du lịch. Hệ thống cáp treo và các cửa hiệu, nhà hàng, khu du lịch…dự tính đem lại khoảng 600 việc làm cho người dân bản địa.

Không những thế, cáp treo còn giúp khách du lịch có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên để tìm hiểu về tầm quan trọng của đa dạng sinh học trong khu vực.Những người ủng hộ dự án cũng khẳng định cáp treo sẽ giảm bớt giao thông lên núi, từ đó giảm ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, với một dự án du lịch lớn như thế, tác hại đối với môi trường và xã hội là rất hiển nhiên khi một lượng lớn khách du lịch đổ về vùng Springbrook. Các hoạt động xây dựng trong khu di sản văn hóa thế giới đang được bảo tồn sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của rất nhiều loài quý hiếm và nguy cấp.

Những người phản đối dự án, trong đó bao gồm những người dân Springbrook, đều lo sợ một ngày thị trấn nhỏ bé của họ bị biến thành một khu du lịch tầm cỡ. Khi đó, thực vật tự nhiên trong vùng chắc chắn sẽ bị phá hoại, trong khi nhu cầu sử dụng các mặt hàng từ tài nguyên thiên nhiên tăng cao. Tăng lượng khách du lịch cũng đồng nghĩa với việc gia tăng ô nhiễm, nguy cơ thiếu nước sạch và cháy rừng.

Cuộc tranh cãi về dự án Naturelink trở nên gay gắt hơn khi Luật Bảo vệ Môi trường và Bảo tồn Đa dạng Sinh học được chỉnh sửa bổ sung vào năm 2000 yêu cầu dự án phải đưa ra Báo cáo Tác động môi trường (Environmental Impact Statement – EIS) trước khi được phê duyệt.

Bản dự  thảo EIS được đưa ra sau đó đã khẳng định dự án “sẽ thực hiện thành công với những ảnh hưởng có thể chấp nhận được tới môi trường” và “không một loài quý hiếm nào bị ảnh hưởng”. Tuy nhiên, báo cáo này không nhắc đến tác động của việc xây dựng và vận hành hệ thống cáp treo đối với từng cá thể loài, đến cả hệ sinh thái và các giá trị di sản thế giới.

Những khiếm khuyết này của báo cáo đã bị chỉ trích mạnh mẽ bên cạnh các vi phạm khác đối với Luật Bảo tồn Quốc gia (1992), Luật Bảo tồn Thiên nhiên (1994) và Luật Bảo vệ Môi trường và Bảo tồn Đa dạng Sinh học (1999) của Úc.

Và dưới sự dẫn dắt của Hội đồng Môi trường Gold Coast & Hinterland, một tổ chức phi chính phủ địa phương, một chiến dịch cung cấp thông tin và vận động ngăn chặn dự án đã được tiến hành. Cùng với các phân tích về những thiếu sót của bản dự thảo EIS và cảnh báo về các nguy cơ của dự án đến những giá trị di sản của CERRA, làn sóng phản đối từ người dân trên khắp nước Úc và dư luận quốc tế đã dấy lên mạnh mẽ.

Tháng 11 năm 2000, chính quyền Queensland đã quyết định bác bỏ dự án Naturelink trong sự hân hoan của người dân Gold Coast Hinterland.

Tuy nhiên, hơn 10 năm sau khi dự án cáp treo bị bác bỏ, ngày 30 tháng 10 vừa qua, một dự án trị giá 100 triệu USD mang tên Gold Coast Skyride với lộ trình tương tự Naturelink đã lại được đề trình lên chính quyền Queensland.

Và chắc chắn những người yêu thiên nhiên sẽ có rất nhiều việc phải làm để bảo vệ Springbrook một lần nữa.