Dân khốn khổ vì dự án thủy điện

ThienNhien.Net – Hàng trăm ha đất trồng cao su, keo, hoa màu bị thu hồi làm dân thiếu đất sản xuất, trong khi đó các dự án thủy điện lại “đắp chiếu” hay thi công ì ạch…

Đó là thực trạng chung của người dân các xã bị ảnh hưởng tại hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới (TT- Huế).

Dù được cấp phép gần 10 năm nhưng Dự án thủy điện Thượng Nhật chỉ xây được đoạn đường ngắn (Ảnh: nongnghiep.vn)
Dù được cấp phép gần 10 năm nhưng Dự án thủy điện Thượng Nhật chỉ xây được đoạn đường ngắn (Ảnh: nongnghiep.vn)

Ghi nhận tại dự án thủy điện Thương Nhật (huyện Nam Đông) sau nhiều năm thu hồi đất của người dân, công trình chỉ triển khai một vài hạng mục phụ trợ rồi “đắp chiếu”.

Năm 2006, UBND tỉnh TT- Huế cấp phép xây dựng dự án thủy điện Thượng Nhật với kinh phí hơn 126 tỷ đồng, do Cty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco 1 làm chủ đầu tư.

Để phục vụ dự án này, tỉnh TT- Huế đã phải thu hồi trên 230ha đất trồng rừng keo, cây cao su và hoa màu của hơn 200 hộ dân. Cũng từ đó, hơn 200 hộ dân này phải sống trong cảnh khó khăn do thiếu đất sản xuất. Tháng 2/2008, dự án được chuyển đổi sang chủ đầu tư khác là Cty CP Đầu tư Thủy điện Miền Trung Việt Nam.

Dự kiến, năm 2009, công trình thủy điện này đưa vào vận hành. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công trình này chỉ triển khai được vài hạng mục phụ trợ nhỏ, chiếm khoảng 10% khối lượng công trình rồi “án binh bất động” cho đến nay.

Ông Nguyễn Văn Bê, một hộ dân ở thôn 3, xã Thượng Nhật cho biết: “Từ khi giao đất cho thủy điện đến nay, gia đình tui phải làm thuê cuốc mướn, con cái phiêu bạt kiếm ăn mỗi người một nơi”. Gia đình ông Bê có hơn 5 ha đất rừng keo và cao su nằm trong diện tích bị thu hồi của Dự án thủy điện Thượng Nhật.

Đất đai bị thu hồi, không có nơi sản xuất, phải đi làm thuê, phiêu bạt khắp nơi là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân ở các thôn 2, 3, 4 của xã Thượng Nhật sau khi nhượng đất để phục vụ công trình thủy điện.

Theo thống kê của UBND xã Thượng Nhật, từ khi triển khai dự án đến nay, phía chủ đầu tư chỉ mới thực hiện việc đền bù đất đai và tài sản trên đất với số tiền hơn 1 tỷ đồng cho 99 hộ dân. Bên cạnh đó, hơn 100 hộ dân nằm trong vùng lòng hồ thủy điện vẫn chưa nhận đền bù, dù đã giao đất.

Trong khi đó, từ năm 2005, sau khi được cấp phép đầu tư, theo ghi nhận của chúng tôi, Dự án thủy điện Thượng Nhật mới chỉ thi công được 1 đoạn đường ngắn và 1 cây cầu nhỏ rồi bỏ hoang hóa từ đó đến nay. Vì chờ giải tỏa nên việc sản xuất trên 230ha đất này bị đình trệ, cuộc sống của người dân miền núi rơi vào cảnh khốn đốn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật, cho biết: “Vấn đề thủy điện ảnh hưởng đến cuộc sống người dân đã diễn ra nhiều năm qua.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị UBND tỉnh TT- Huế thu hồi giấy phép đầu tư đối với dự án để trả lại đất cho người dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, tỉnh cho biết dự án đang tạm thời ngừng xây dựng và không cho biết sẽ ngừng trong thời gian bao lâu”.

Cuối năm 2013, UBND tỉnh TT-Huế cho biết, chủ đầu tư Dự án thủy điện Thượng Nhật không đảm bảo năng lực tài chính, kỹ thuật và quản lý dự án. Từ đó, tỉnh cho biết đang nghiên cứu xử lý dự án theo hướng không gia hạn tiến độ, thu hồi dự án, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được thu hồi.

Khu vực hầm xuyên núi, một công trình của thủy điện A Lin B1 bỏ hoang được người dân tận dụng làm hồ nuôi cá (Ảnh: nongnghiep.vn)
Khu vực hầm xuyên núi, một công trình của thủy điện A Lin B1 bỏ hoang được người dân tận dụng làm hồ nuôi cá (Ảnh: nongnghiep.vn)

Tại Dự án thủy điện A Lin B1 do Cty CP thủy điện Trường Phú làm chủ đầu tư được UBND tỉnh TT- Huế cấp giấy chứng nhận vào năm 2008. Năm 2009, dự án này được cấp giấy chứng nhận thay đổi lần 1, lần 2 tại các xã: Hồng Vân, Hồng Trung (huyện A Lưới) và xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) với tổng diện tích hơn 471 ha với tổng mức đầu tư 917,5 tỷ đồng. Dự án thủy điện A Lin đã và đang làm cho gần 250 hộ dân ở các thôn Ta Lo, A Năm, Ka Cú 2 và A Hố của xã Hồng Vân rơi vào cảnh mất đất sản xuất, cuộc sống khó khăn. Từ những người chủ đất, trở thành người làm thuê, phiêu bạt làm ăn nhiều nơi.

Ông Hồ Xuân Hinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết: “Người dân có cuộc sống khó khăn là do các khu tái định cư không đảm bảo về chất lượng công trình, đất đai ít ỏi, cằn cỗi nên bà con không sản xuất được.

Sau khi khảo sát, 30 hộ dân ở các thôn Ta Lo, A Năm và Ka Cú 2 nằm trong lòng hồ thủy điện A Lin buộc phải di dời lên khu tái định cư A Năm. Từ ngày lên đây bà con phải sống chật vật vì tình trạng sạt lở, đất đai quá ít để trồng trọt.”

Mặc dù cơ quan chức năng nhiều lần đôn đốc, dự án Thủy điện A Lin B1 cam kết với UBND tỉnh TT- Huế sẽ hoàn thành vào quý III-2014. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện công trình này chỉ mới triển khai xây dựng một số hạng mục mà thôi. Hiện, Sở KH – ĐT Thừa Thiên- Huế đang kiến nghị UBND tỉnh này cho phép nhà đầu tư được gia hạn tiến độ triển khai thực hiện dự án với điều kiện nhà đầu tư cam kết ký quỹ, đảm bảo thực hiện dự án theo quy định…