Vì sao tư nhân ngại đầu tư vào ngành điện

ThienNhien.Net – Dù thu hút được nhiều sự quan tâm, nhưng thực tế, ngành điện vẫn có không nhiều nhà đầu tư tư nhân.

Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, tới 90% tổng nguồn điện hiện có tại Việt Nam được đầu tư bởi các doanh nghiệp nhà nước.

Nhiều ràng buộc cần được tháo gỡ để tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào đầu tư ngành điện (Ảnh: evnspc.vn)
Nhiều ràng buộc cần được tháo gỡ để tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào đầu tư ngành điện (Ảnh: evnspc.vn)

Trên thực tế, nguồn tài chính của EVN để thực hiện đầu tư như mong đợi là không đủ. Còn ngân sách nhà nước và nguồn ODA cho ngành điện cũng bị hạn chế nhất định. Dĩ nhiên, việc không có đầu tư thích đáng sẽ tạo ra các thách thức về chất lượng cung cấp điện, khả năng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải. Bởi vậy, việc thu hút đầu tư từ khối tư nhân được các chuyên gia WB xem là một trong những giải pháp.

Việc thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân vào xây nhà máy điện, đặc biệt là những nhà máy điện có quy mô lớn cũng đòi hỏi có môi trường đầu tư thuận lợi hơn. Theo tính toán, nếu trên 70% vốn đầu tư vào các nguồn điện mới hiện nay đến từ khu vực tư nhân thông qua các dự án IPP và các thoả thuận hình thức tham gia khác, thì quá trình phê duyệt phải đẩy nhanh hơn so với thực tế đã và đang diễn ra. Con số được nêu lên là từ 3-6 tháng, so với thực tế phê duyệt các dự án IPP, đặc biệt là các dự án BOT hiện nay lên tới 7 năm, thì đang có khoảng cách quá xa.

Ngoài các dự án điện BOT đã đi vào hoạt động như Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 do các nhà đầu tư Singapore, Nhật Bản đầu tư, thì một số dự án đang được triển khai xây dựng như Mông Dương 2 của AES. Các công ty như Tata, SembCorp, SN Power, China Light & Power… cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trong ngành điện của Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư quốc tế đang quan tâm tới các dự án điện tại Việt Nam đã có đầu tư vào ngành điện ở châu Á.

Trong nước cũng có những nhà đầu tư tư nhân như Tập đoàn Tân Tạo tại Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1. Trên thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia mua cổ phần của các nhà máy điện thuộc EVN được đưa ra cổ phần hóa thời gian qua như Công ty Cơ điện lạnh REE.

“Kinh nghiệm tại châu Á cho thấy, khả năng của các nhà đầu tư trong nước có thể tăng lên nhanh chóng, nếu có môi trường khuyến khích phù hợp. Nguồn tài chính có thể đạt được thông qua các ngân hàng xuất nhập khẩu khi sử dụng nhà máy và thiết bị của các nước đó. Dù các nguồn tài chính đó có thể đắt và dẫn tới hạn chế về nhà cung cấp, nhưng đó là nguồn tài chính khả thi nhất cho các dự án điện than”, nghiên cứu của WB nêu rõ.

Tuy nhiên, để tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào đầu tư ngành điện, cũng có nhiều ràng buộc cần được tháo gỡ. Các chuyên gia WB đã chia những ràng buộc này thành 4 nhóm chính là thị trường điện, điều kiện cho dự án điện, thị trường vốn và hoạt động của Bộ Công Thương.

Các chuyên gia WB cho rằng: “Hiện thị trường điện với giá điện bán lẻ thấp hơn chi phí và các nhà đầu tư tư nhân không tự tin vào khả năng đàm phán được mức giá hợp lý cho các dự án phát điện. Các nhà đầu tư cũng nghi ngờ vào tính công bằng của thị trường điện với các cấu trúc hợp đồng mua bán điện khác nhau áp dụng cho các IPP, các dự án của EVN thông qua Genco và thủy điện đa mục tiêu. Mối lo ngại còn lớn hơn nữa khi hiện nay Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) vẫn là đơn vị cấp dưới của EVN, mặc dù đã có đề xuất tách A0 độc lập khỏi EVN”.

Trên thực tế, các dự án điện cần phải huy động thêm nguồn tài chính từ cả thị trường trong nước và quốc tế. Vì vậy, các điều kiện và điều khoản được Chính phủ Việt Nam chấp nhận liên quan đến tài chính sẽ đóng vai trò cốt yếu trong việc vay tiền từ ngân hàng. Đây cũng là thách thức mà các nhà đầu tư BOT gặp phải thời gian qua, khi các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế đòi hỏi rất nhiều cam kết và bảo lãnh từ phía Chính phủ Việt Nam, khiến quá trình đàm phán mất rất nhiều thời gian.