Đổi mỏ vàng lấy chỗ… thả trâu bò

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, dư luận tại Bắc Kạn xôn xao tin “người khổng lồ” – ông chủ của Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico (có địa chỉ ở trung tâm thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) sắp vỡ nợ. “Cái sảy nảy cái ung”, những lùm xùm trong làm ăn của Na Rì Hamico dưới sức ép của dư luận cứ từ từ “lộ sáng”…

Bến thuyền Buốc Lồm thành nơi chăn thả trâu bò (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)
Bến thuyền Buốc Lồm thành nơi chăn thả trâu bò (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

“Đổi vàng lấy du lịch”

Năm 1997, tỉnh Bắc Thái chia tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Hàng chục năm sau khi tách tỉnh, Bắc Kạn nghèo vẫn hoàn nghèo, không phát triển nông nghiệp được vì địa hình đa phần là núi, không có đường biên giới để làm ngoại thương, không có biển để tiến hành ngư nghiệp, không thể phát triển công nghiệp vì thiếu đường giao thông, thiếu đất. Cái giàu có nhất của tỉnh là những tài nguyên khoáng sản lại đang nằm sâu trong núi.

Năm 2008, UBND tỉnh đã định hướng phát triển nguồn tài nguyên du lịch mà trọng tâm là hồ nước ngọt trên núi lớn nhất thế giới: hồ Ba Bể. Với quyết tâm cao nhất để phát triển du lịch, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản phong phú, một “sáng kiến lịch sử” đã được đưa ra: Đổi vàng lấy du lịch.

Theo đó, toàn tỉnh có hàng chục mỏ vàng đã được thăm dò, xác định tọa độ chính xác với trữ lượng phong phú, nếu doanh nghiệp nào cam kết xây dựng khu du lịch thì sẽ được ưu tiên khai thác một mỏ vàng. 11 danh mục dự án khuyến khích đầu tư du lịch đã được ban hành, trong đó trọng tâm là dự án Khu trung tâm hành chính huyện Ba Bể tại Vườn Quốc gia Ba Bể.

Dự án này bao gồm cải tạo, xây dựng, nâng cấp thêm nhà hàng khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp. Nó được tiến hành song song và đồng bộ với một dự án quan trọng khác là Khu đón tiếp Buốc Lồm, cách cổng Vườn Quốc gia Ba Bể 9km, nơi đây có bến thuyền máy để đi vào hồ Ba Bể. Dự án Khu đón tiếp Buốc Lồm cũng bao gồm xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí cao cấp và nhà thuyền Buốc Lồm.

Để tăng thêm sự hấp dẫn của ý tưởng này, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quy định về chính sách ưu đãi áp dụng đối với các dự án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch tại Quyết định số 2758/2008/ QĐ-UBND ngày 25/12/2008. Theo đó, ngoài việc được khai thác một mỏ vàng, doanh nghiệp còn được tỉnh bỏ tiền ra xây dựng giúp cơ sở hạ tầng (đầu tư xây dựng đường giao thông đến dự án – PV). Chưa hết, doanh nghiệp đầu tư khu du lịch còn được ưu đãi thêm khi khai thác khoáng sản hay gia hạn giấy phép khai thác…

Có thể nói, đây là một quyết sách đúng đắn của tỉnh Bắc Kạn, tốt cho tất cả các bên tham gia. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản sẽ có bước phát triển bền vững, bên cạnh đó, tiềm năng du lịch rất lớn của tỉnh cũng được khai thác, thúc đẩy kinh tế của tỉnh. UBND tỉnh thì vừa phát triển được du lịch – ngành “công nghiệp trắng”, vừa tận dụng tốt tài nguyên khoáng sản. Nhưng thực tế không hề đẹp đẽ như ý tưởng táo bạo này, UBND tỉnh đã “ăn quả đắng”, vừa mất mỏ vàng, lại bêu xấu cả bộ mặt của tỉnh.

Khai thác vàng sa khoáng tại huyện Na Rì, Bắc Kạn  (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)
Khai thác vàng sa khoáng tại huyện Na Rì, Bắc Kạn (Ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Mất không mỏ vàng cho doanh nghiệp?

Khu đón tiếp Buốc Lồm, cách cổng Vườn Quốc gia Ba Bể 9km, có một vị trí tuyệt đẹp, nằm ngay cửa ngõ vào Vườn Quốc gia Ba Bể. Khách du lịch sau khi di chuyển một quãng đường dài có thể nghỉ ngơi, giải trí, sau đó dùng thuyền máy tại bến thuyền Buốc Lồm đi tham quan toàn bộ hồ Ba Bể. Dự án quan trọng này đã rơi vào tay một công ty “con” của Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico, đó là Công ty TNHH Hùng Dũng.

Đổi lại, Công ty này được nhận một mỏ vàng có trữ lượng cao là mỏ vàng Nà Làng, xã Lương Thượng, huyện Na Rì. Sau khi nhận được dự án, Công ty Hùng Dũng gửi Công văn số 43/CK-CTHD tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH -TT – DL) Bắc Kạn tuyên bố ngày khởi công là 20/9/2009. Công ty Hùng Dũng cũng tuyên bố sẽ thực hiện nghiêm túc nội dung, tiến độ của dự án, kèm theo đó là một Bảng tiến độ hết sức chuyên nghiệp.

Công ty Hùng Dũng “trống giong cờ mở” tiến hành khởi công hoành tráng, mời đủ lãnh đạo cao cấp của tỉnh tham dự, mở ra một hy vọng mới cho du lịch Bắc Kạn. Nhưng ai ngờ, hóa ra mọi thứ chỉ là “đầu voi, đuôi chuột”. Một mặt họ ra sức tận thu mỏ vàng Nà Làng với tốc độ cao nhất, biến nơi đây thành một công trường khai thác quy mô, được UBND tỉnh bảo hộ.

Mặt khác, trái ngược hẳn, họ thi công với tốc độ “rùa bò” ở Khu đón tiếp Buốc Lồm, biến nơi đây thành một công trường ngổn ngang, bừa bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới con đường chính đi vào Khu du lịch hồ Ba Bể. Ngày 18/10/2010, Sở VH-TT-DL Bắc Kạn đã phải có công văn đề nghị xử lý Công ty Hùng Dũng vì không thực hiện theo đúng cam kết tiến độ mà chính họ đã đưa ra. Liên tiếp những công văn đi, đến nhưng với đủ mọi lí do “chính đáng” mà Công ty Hùng Dũng đưa ra, tiến độ thực hiện Khu đón tiếp Buốc Lồm vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Lùng nhùng như vậy qua hai năm, Công ty Hùng Dũng đã biến hình (đổi tên đăng kí kinh doanh) thành Công ty Cổ phần Đồng Vàng, nhưng dự án vẫn bê bết như cũ. Sở VH-TT-DL Bắc Kạn sốt ruột nhưng chức năng, nhiệm vụ của họ chỉ là đề nghị các biện pháp xử lý lên UBND tỉnh, thậm chí Sở này đã đề nghị “đóng cửa” mỏ vàng Nà Làng để buộc Khu đón tiếp Buốc Lồm tiến hành đúng tiến độ.

Lại hai năm nữa trôi qua, đến nay Công ty Hùng Dũng lại tiếp tục đổi tên thành Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á, mỏ vàng Nà Làng đã bị khai thác tan hoang nhưng Dự án Khu đón tiếp Buốc Lồm vẫn ngổn ngang, chưa đâu vào đâu cả. Phóng viên đã đau xót chứng kiến một vùng đất đẹp tuyệt vời, phong cảnh hữu tình thơ mộng đã bị biến dạng hoàn toàn sau 6 năm “cù nhầy” của doanh nghiệp này. Khu bến thuyền Buốc Lồm chỉ có cái biển to đã bạc màu theo năm tháng, trâu bò lang thang ăn cỏ quanh chiếc thuyền máy han gỉ và khu nhà thuyền bong tróc, rêu mọc xanh rì.

Đến bây giờ thì tin đồn Na Rì Hamico vỡ nợ đã lan tràn khắp nơi, như vậy tương lai của Khu đón tiếp Buốc Lồm cũng vô cùng ảm đạm. Suốt 6 năm qua, công trình không thể hoàn thành, đường giao thông vào Khu hồ Ba Bể qua công trường này bẩn thỉu, lầy lội. Nó đã trở thành một biểu tượng xấu xí, nhức nhối của tỉnh Bắc Kạn, là “hồi chuông cáo chung” cho ý tưởng quá đẹp nhưng thực hiện thì quá dở của tỉnh Bắc Kạn.

Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự lãng phí, dở dang này? Đó sẽ là vấn đề chúng tôi gửi tới bạn đọc trong các số báo tiếp theo.