Bài 2: Ngang nhiên khai thác quặng, xả thải không phép

ThienNhien.Net – Theo điều tra của VietNamNet, mỏ quặng của Cty Kim Phát đóng trên địa bàn thôn Đầm, xã Lương Nội, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) xả nước thải (nước đãi quặng) xuống suối nước sinh hoạt, tưới tiêu của người dân chưa được cấp phép.

Vì sao việc khai thác, xả thải một cách công khai nhiều tháng qua như vậy mà không bị các cơ quan “sờ gáy”?.

Cận cảnh bể chứa nước thải

Để tìm hiểu rõ hơn về việc xả nước thải của mỏ khai thác quặng tại thôn Đầm, xã Lương Nội, chúng tôi đã có cuộc xâm nhập thực tế để được mục sở thị những nguồn nước đỏ ngầu này.

Con đường dẫn vào mỏ khai thác quặng không khó tìm, bởi nó nằm ngay trung tâm thôn Đầm. Từ thôn Đầm đi ngược lên núi khoảng hơn một cây số, trước mắt chúng tôi là bãi khai thác quặng với đủ loại máy móc nằm ngổn ngang lọt thỏm trong thung lũng núi.

Men theo bìa rừng rậm rạp hàng giờ đồng hồ, chúng tôi cũng đến được nơi khai thác. Theo quy trình, nước thải (hay còn gọi là nước rửa quặng) được chứa trong các hồ mà người ta gọi là bể chứa.

Khi quặng được đưa từ nơi khai thác xuống sẽ dùng nước để rửa. Bột đất này theo quy trình được chảy vào bể chứa số 1.

Khi bể chứa số một này đã đầy, chất bùn sẽ được lắng xuống dưới, nước trong thấm qua bao bì chảy xuống bể chứa thứ hai.

Xe ô tô chở quặng từ trên núi xuống (Ảnh: VietNamNet)
Xe ô tô chở quặng từ trên núi xuống (Ảnh: VietNamNet)
Máy móc đang hoạt động như một đại công trường (Ảnh: VietNamNet)
Máy móc đang hoạt động như một đại công trường (Ảnh: VietNamNet)

Cứ tương tự như vậy, nước trong sẽ chảy xuống bể cuối cùng là bể số 3. Tại đây nước sẽ được bơm ngược trở lại để phục vụ cho việc sản xuất và đãi quặng.

Thực tế khi phóng viên tiếp cận hiện trường thì dường như nước thải trong các bể chứa này đã tràn khắp nơi, nước đục ngầu, đỏ lòm đang chảy qua một ống dẫn từ bể trên xuống bể dưới.

Bể lắng cuối cùng được đắp đất sơ sài. Hàng đêm nước từ đây được tháo ra bên ngoài theo dòng suối Cha xuống dưới gây ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu của người dân.

Theo người dẫn đường, với kiểu bể chứa nước thải sơ sài như thế này sẽ không bao giờ đảm bảo được. Vào mùa mưa lũ đang đến, nếu không cẩn thận còn có nguy cơ vỡ hồ chứa là thường, và dân làng ở dưới sẽ phải gánh hậu quả như thế nào?.

Chưa cấp phép vẫn khai thác?

Nguồn tin riêng của phóng viên, mỏ quặng của Cty Kim Phát hiện vẫn chưa được cấp phép khai thác. Trước đó, mỏ quặng này đã hết hạn, đang trong thời gian xin cấp phép trở lại.

Có mặt tại mỏ, chúng tôi ghi nhận được nơi đây các máy móc đang hoạt động ầm ầm như một đại công trường.

Những chiếc xe chở quặng từ trên đỉnh núi cao lao xuống, sau đó quặng được đưa vào hệ thống dây chuyền đãi, sàng lọc và cuối cùng những cục quặng được đưa vào máy nghiền nhỏ như cát để xuất đi.

Cận cảnh các hồ chứa nước thải có nguy cơ vỡ, tràn bất cứ lúc nào trong mùa mưa (Ảnh: VietNamNet)
Cận cảnh các hồ chứa nước thải có nguy cơ vỡ, tràn bất cứ lúc nào trong mùa mưa (Ảnh: VietNamNet)
Quặng đã được phân loại và nghiền ra (Ảnh: VietNamNet)
Quặng đã được phân loại và nghiền ra (Ảnh: VietNamNet)

Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Văn Ấn, Phó trưởng phòng TN-MT huyện Bá Thước cho biết, hiện nay mỏ quặng của Cty Kim Phát vẫn đang hoạt động bình thường.

Trước đây mỏ này đã hết hạn, sau khi khảo sát, đánh giá lại trữ lượng thì thuộc đối tượng nhỏ lẻ nên cấp phép, gia hạn thuộc về cấp quyền của UBND tỉnh. Hiện nay mỏ đang hoạt động như vậy là vì đã được UBND tỉnh cấp phép bổ sung, gia hạn?.

Trái ngược với lời ông Ấn, ông Phạm Văn Hoành, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN-MT Thanh Hóa) cho biết, Cty TNHH MTV Khoáng sản Kim Phát được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác khoáng sản và thuê đất tại mỏ sắt làng Đầm, xã Lương Nội theo quyết định số 903/QĐ-UBND ngày 24/3/2011 (giấy phép hết hạn ngày 24/3/2014) và cho phép đơn vị được xây dựng xưởng tuyển quặng tại khu vực giáp ranh với mỏ.

Theo ông Hoành, kể từ khi được cấp phép cho đến nay Sở chưa nhận được phản ánh nào về việc đơn vị khai thác, tuyển quặng làm ảnh hưởng môi trường nước.

Theo ý kiến của UBND huyện Bá Thước, xã Lương Nội báo cáo tại biên bản kiểm tra thực địa ngày 28/8/2014, trong quá trình hoạt động trên địa bàn, Cty đã thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và an ninh trật tự trong khu vực.

“Đến nay, giấy phép khai thác khoáng sản của đơn vị được UBND tỉnh cấp phép đã hết hạn (ngày 24/3/2014). Vì vậy, nếu đơn vị tổ chức khai thác là không đúng với quy định của pháp luật.

Thông qua đó, Sở TN-MT sẽ phối hợp với địa phương yêu cầu đơn vị dừng khai thác (nếu có) và giám sát việc dừng khai thác của Cty. Tuy nhiên, nếu thực tế có thực trạng trên trước hết trách nhiệm phải thuộc về UBND xã, huyện sau đó sẽ là cấp tỉnh”, ông Hoành cho biết.