Nhà ở khu vực nông thôn vẫn bức thiết

ThienNhien.Net – Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, dưới tác động của quá trình đô thị hóa, dịch chuyển dân cư, nhu cầu nhà ở nông thôn trong thời gian tới không áp lực như đô thị. Tuy nhiên, nhà ở khu vực nông thôn vẫn là một vấn đề hết sức bức thiết.
Dự thảo Chiến lược Nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Xây dựng công bố và lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ ngành, địa phương, các tổ chức ngành nghề xã hội nhằm đưa ra những đề xuất, giải pháp phù hợp nhất cho vấn đề này, trong đó mục tiêu trọng tâm của Dự thảo là tập trung vào các đối tượng xã hội khó khăn, đặc biệt là nhà ở khu vực nông thôn.

Những số liệu thống kê của Bộ Xây dựng đưa ra cho thấy, tỷ lệ nhà ở dễ tổn thương ở nông thôn (bao gồm nhà thiếu kiên cố và đơn sơ) vẫn ở mức 20%, trong đó, có gần 1,5 triệu căn nhà đơn sơ (chiếm tỷ lệ 9,52% tổng số căn hộ ở nông thôn). Một số vùng nhà đơn sơ chiếm tỷ lệ cao như: đồng bằng sông Cửu Long, trung du và miền núi phía Bắc…

Ngoài nhà ở, việc không đồng bộ về hệ thống hạ tầng, kỹ thuật (như hệ thống cấp nước sạch, cấp điện chiếu sáng, hệ thống xử lý vệ sinh môi trường…) cũng là những khó khăn trong việc an cư của người dân.

Tại thời điểm 01/04/2009, chỉ có 39% số hộ gia đình nông thôn có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Nhiều hộ gia đình nghèo, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, khu vực dân vạn đò, vạn chài thuộc các tỉnh ven biển miền Trung vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở.

Do đó, ngoài mục tiêu chung là cơ bản đáp ứng nhu cầu chỗ ở phù hợp của nhân dân và từng bước nâng cao chất lượng nhà ở; tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trọng tâm của Chiến lược hướng tới đẩy mạnh phát triển quỹ nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ gia đình sinh sống tại các khu vực thường xuyên bị thiên tai và các hộ gia đình thuộc diện nghèo tại khu vực nông thôn.

Cụ thể, từ nay đến 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt 21,5m2 sàn/người, 60% sinh viên có nhu cầu được thuê nhà ở trong ký túc xá và 50% công nhân khu công nghiệp được thuê nhà ở trong các dự án nhà ở dành cho công nhân. Các con số tương ứng đến năm 2020: diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt mức 25m2 sàn/người, khoảng 80% sinh viên được thuê nhà và 60% công nhân khu công nghiệp được thuê nhà ở.

Bên cạnh đó, Dự thảo Chiến lược còn đề ra nhóm giải pháp hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách xã hội, với con số 1,58 triệu hộ tính từ năm 2011 đến năm 2020.

Cũng nhằm trao đổi, góp ý về quan điểm, mục tiêu và các giải pháp thực hiện Chiến lược này, ngày 04/03 vừa qua, Bộ Xây dựng phối hợp với Chương trình Định cư Con người Liên Hợp quốc – UN-HABITAT và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Chiến lược Phát triển Nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” tại TP.HCM.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về những vướng mắc, bức xúc trong đầu tư dự án, đặc biệt trong vấn đề quy hoạch, tài chính … đồng thời, đưa ra những “giải mã” cho việc thực hiện chiến lược nhà ở này.

Quan trọng hơn, các đại biểu cho rằng, Chiến lược cần được bổ sung về các tác động của biến đổi khí hậu – yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến việc di dân tới các vùng miền trong tương lai không xa.