Hệ thống cống thoát nước tại TP. HCM: “Gánh”… đủ loại chất thải!

Trong khi chờ các dự án chống ngập lớn hoàn thành và phát huy tác dụng thì hệ thống cống hiện hữu là lối thoát nước duy nhất hiện nay tại TP. HCM. Thế nhưng, có một thực tế là hệ thống cống thoát nước này chẳng những không được quan tâm duy tu nạo vét để phát huy hết công suất mà việc quản lý còn bị… bỏ quên. Đây là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng ngập nước trên địa bàn TP trong thời gian qua.

Vừa thiếu, vừa yếu


Hệ thống cống thoát nước của TP. HCM hiện nay vừa thiếu về số lượng vừa nhỏ về tiết diện và mang tính chắp vá do được xây dựng qua nhiều thời kỳ. Theo số liệu của Sở GTCC TP. HCM, chỉ tính tại khu vực các quận trung tâm như 1, 3, 5, có đến khoảng 113km cống nhưng chủ yếu là loại cống vòm xây bằng gạch.


Các tuyến cống vòm này có tuổi thọ khá cao, được xây dựng trước năm 1954, nay đã bị xuống cấp trầm trọng. Tuy vậy, tại khu vực này cống thoát nước phục vụ được 100%, trong khi ở các huyện ngoại thành (đơn cử huyện Bình Chánh) con số này lại hết sức nhỏ nhoi, chỉ là 0,3%. Nhìn tổng thể, hệ thống thoát nước chỉ phục vụ khoảng 60% dân số TP.
 

Một lãnh đạo Sở GTCC cho biết, có rất nhiều tuyến đường, khu dân cư của TP lớn nhất nước này chưa có cống thoát nước(!). Không những thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống cống còn bị lấn chiếm vô tội vạ. Theo Công ty Thoát nước TPHCM, chỉ riêng tại 3 quận (5, 6, 10) đã có gần 600 căn hộ xây nhà đè lên cống thoát nước, hầm chui và cửa xả. Đó là chưa kể, công tác quản lý việc đấu nối cống nhánh từ hộ nhà dân vào cống thoát nước chung đang bị thả nổi. Ví dụ tại 4 mặt khu vực chợ Bến Thành, nhất là trên tuyến đường Thủ Khoa Huân (quận 1), các hộ dân buôn bán đấu nối đường ống nước từ nhà mình và xả nước thải sinh hoạt trực tiếp lên mặt đường làm cho nhiều đoạn đường quanh đây lúc nào cũng toàn là nước. 


Hố ga: Thùng rác công cộng!


Có một thực tế khác là hiện nay việc quản lý hầm ga (ngã ba giao nhau giữa các cống thoát nước, có chức năng chính thu nước từ mặt đường xuống cống) trên nhiều tuyến đường bị bỏ mặc. Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, có đoạn đường chỉ khoảng 2 km nhưng có đến gần chục hố ga bị bật nắp hoặc nắp gãy gập, hơn 30 hố ga mất rào chắn rác, hàng loạt rào chắn bị gãy. Chỉ cần một cơn mưa, số rác trên đường theo dòng chảy, chui vào hết các hố ga. Trước nhà số 10 đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) – nơi thi công công trình dự án Vệ sinh môi trường TP, hai hố ga bị bật nắp, gãy gập. Người dân phải che tạm bằng những tấm gỗ nhằm tránh nguy hiểm cho người đi đường.


Chưa hết, theo ghi nhận của chúng tôi, trên các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình), Đề Thám, Cô Giang (quận 1), một số người dân buôn bán đồ ăn, thức uống còn sử dụng hố ga làm nơi đổ đồ dư. Số hố ga trên đường Hùng Vương (quận 6) không nhiều nhưng ít cái còn nguyên vẹn, đa phần đều bị mất thanh chắn, do đó rác thải cứ thi nhau chui xuống cống. Trên đường Trần Phú, những hố ga không phải chỉ có nhiệm vụ thoát nước mà nó như là một thùng rác công cộng, trước mỗi miệng cống lúc nào cũng có một đống rác. Nhìn cận cảnh vào một vài hố ga trên đường Hậu Giang (quận 6) mới thấy khủng khiếp, ở dưới là đồ ăn, nào rau nào bún còn cả nước sóng sánh màu vàng khè. Không chỉ có rác mà trước một vài hố ga, bùn đất đã lấn chiếm hết đường nước chảy xuống. Một hố ga trước cửa hàng tạp hóa trên đường Hậu Giang không còn thấy miệng cống đâu nữa mà chỉ có một đống bùn đất.


Phân cấp không phù hợp


Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân “do lịch sử để lại”, cộng với thiếu ý thức của người dân càng làm cho “sức khỏe” của hệ thống cống ngày càng suy yếu hơn.


Về góc độ quản lý nhà nước, một trong những nguyên nhân chính được xác định là do chủ trương phân cấp quản lý mạng lưới cống hiện nay không phù hợp. Trước đây, hệ thống cống thoát nước cấp 1, 2, 3 do Sở GTCC TP. HCM quản lý; hệ thống cống cấp 4 do quận- huyện quản lý.


Từ cuối năm 2002 trở về sau, theo Quyết định số 132 của UBND TP. HCM, một số hệ thống cống thoát nước cấp 2 và cấp 3 nằm hoàn toàn trên tuyến đường của quận-huyện được phân cấp về cho quận-huyện quản lý. Ngoài ra, tùy theo mức độ phát triển, mỗi quận-huyện còn quản lý duy tu bảo dưỡng từ 60-100km cống cấp 4 (cống hẻm có đường kính từ 400mm trở xuống). “Hệ thống thoát nước đòi hỏi phải có sự đồng bộ và thống nhất về quản lý, duy tu, bảo dưỡng nên việc phân cấp này đã vô tình làm phá vỡ tính liên thông của hệ thống cống thoát nước TP dẫn đến tình trạng không phát huy tối đa hệ thống cống thoát nước hiện hữu”, Th.S Hồ Long Phi (Bộ môn Cấp – Thoát nước Trường ĐH Bách khoa TPHCM) phân tích.


Việc phân cấp càng bất hợp lý khi hầu hết các quận–huyện đều thiếu cán bộ chuyên trách, kinh phí và hệ thống trang thiết bị nạo vét. Kết quả kiểm tra vào mùa khô năm 2007 cho thấy, các quận 8, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân… hầu như không thực hiện hoặc nạo vét không đồng bộ với hệ thống thoát nước của các khu quản lý giao thông đô thị (thuộc Sở GTCC) quản lý.


Hệ thống cống thoát nước không đủ về tiết diện, thiếu về số lượng cùng với những bất cập trong công tác quản lý duy tu, bảo dưỡng trong thời gian qua là những nguyên nhân làm gia tăng mức độ ngập cục bộ và làm xuất hiện những điểm ngập mới trong những năm gần đây. Đã đến lúc, thực trạng này cần được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết một cách đồng bộ với những nguyên nhân khác. Có như vậy mới có thể giải bài toán chống ngập một cách căn cơ cho TP.