Trả lại màu xanh cho rừng

ThienNhien.Net – Trong khi nhiều địa phương chưa chú trọng đến việc trồng rừng thì tại xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La người dân lại tự ý thức được việc trồng và bảo vệ rừng. Người dân đã đồng thuận trồng rừng, thấy được tiềm năng và lợi thế mà rừng mang lại. Việc làm này đã và đang giúp địa phương phát triển bền vững tài nguyên rừng.

  Cán bộ kiểm lâm Mộc Châu kiểm tra, bảo vệ rừng (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Cán bộ kiểm lâm Mộc Châu kiểm tra, bảo vệ rừng (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Bảo vệ từ chính người dân

Từ những ngày đầu tháng 8, người dân các bản Piêng Lán, Tà Số 1, Tà Số 2… của xã Chiềng Hắc đã ra quân trồng 1.000 cây hoa ban dọc Quốc lộ 6, kết thúc vụ trồng rừng năm 2014. Chủ tịch UBND xã, ông Phạm Văn Hợi phấn khởi cho biết: “Năm nay, huyện Mộc Châu đã trồng mới hàng trăm ha rừng. Chỉ riêng ở xã Chiềng Hắc, bà con đã trồng được 157ha rừng tập trung và 10.000 cây phân tán. Đó là một kết quả chưa từng có trong hoạt động trồng rừng của xã. Nhiều hộ đến giờ còn đăng ký xin thêm giống để trồng vượt diện tích đã giao nhưng chúng tôi chưa dám nhận lời, vì lo nếu cố quá sợ cây giống không đảm bảo chất lượng”.

Đến với dân bản Tà Số 1 trên đỉnh dãy núi Tú Vàng hùng vĩ rất nhiều những cây đào, cây ban mới trồng dọc đường lên bản. Ông Hợi cho biết: Đào và ban là 2 loại cây được địa phương trồng dọc theo các tuyến quốc lộ, đường liên xã, bản để làm đẹp tươi thêm hương sắc núi rừng Tây Bắc. Cái hay ở việc trồng rừng này là Nhà nước hầu như không phải đầu tư gì ngoài cây giống, chọn địa điểm trồng, còn công sức, phân bón là của dân. Dân trồng rừng và hưởng lợi nên bà con rất hăng hái.

Đang mải miết chăm sóc những loại cây mới trồng, chị Lò Thị Tám, thôn Tà Số 1 cho biết: Diện tích rừng trồng mới này trước kia vốn là đất rừng. Khi nghèo khó người dân thường đốt rừng làm nương rẫy. Nhưng khi có chủ trương trả lại diện tích đất rừng đã phá, cấp cây giống miễn phí để người dân trồng lại số diện tích rừng đã mất, cho phép dân thu hoạch sản phẩm từ rừng trồng nên chúng tôi ủng hộ ngay.

Nhân rộng mô hình

Với đặc thù là một trong những huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, địa hình phức tạp, Hạt kiểm lâm Mộc Châu đã luôn phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt, tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng; xây dựng nhiều mô hình xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ góp phần nâng cao độ che phủ của rừng.

Nhìn bản thiết kế kỹ thuật trồng rừng do Hạt Kiểm lâm Mộc Châu xây dựng, thấy chi phí trồng mới 1ha rừng ở đây thấp tới mức khó tin 17.091.000 đồng, nhiều thành viên trong đoàn ngạc nhiên, anh Đào Mạnh Phong, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Mộc Châu giải thích: Chi phí thiết kế cho 1ha rừng chỉ có 250.000 đồng, chi phí thẩm định thì mỗi ha chỉ có 25.000 đồng. Tuy kinh phí đầu tư ít ỏi nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định mô hình trên đã phát huy hiệu quả và khá thành công.

“Nhiều năm qua, Kiểm lâm Mộc Châu đã luôn trăn trở với việc bảo vệ rừng, đặc biệt với diện tích đất rừng bị người dân xâm hại hàng năm. Muốn trả lại màu xanh cho rừng thì phải dựa vào sức dân, phải tạo được sự đồng thuận. Vì thế, chúng tôi xây dựng kế hoạch, lập dự án và được huyện đồng ý, ủng hộ; kiểm lâm triển khai kế hoạch tuyên truyền, người dân đồng thuận, thế là thành công”, anh Phong khẳng định.

Để đảm bảo công tác bảo vệ rừng thành công, toàn huyện đã lập 169 đội bảo vệ rừng tại cơ sở với 3.199 người thường xuyên luân phiên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tại địa bàn, từng bản, tiểu khu, góp phần quan trọng hạn chế tình trạng phá rừng làm nương, khai thác lâm sản trái phép… Đến nay, Hạt Kiểm lâm đã tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với 15.875 hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thực hiện không xâm hại tài nguyên rừng, giao cho cấp ủy, chính quyền cấp bản, tiểu khu giám sát và thực hiện.

Ông Lò Thế Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La khẳng định: Đây là cách làm rất sáng tạo, riêng có của Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu. Nhờ cách làm này mà mấy năm nay Mộc Châu đã trồng được trên 500ha rừng gắn được cả 3 yếu tố: Phòng hộ, kinh tế và bản sắc rừng Tây Bắc. Kiểm lâm Mộc Châu cũng là đơn vị đi đầu trong việc làm rõ chủ rừng và trách nhiệm chủ rừng khiến độ che phủ rừng ngày một lớn. Tới đây, Chi cục sẽ nhân rộng cách làm trên tới 12/12 huyện, thị trong tỉnh.

Cải thiện rừng gắn với cải thiện sinh kế

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng 2011-2013, ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch tỉnh Kon Tum cho biết, qua 3 năm thực hiện đã khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho bảo vệ và phát triển rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu các tác động bất lợi và thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư, người dân sống gắn bó với rừng; nâng cao năng lực, tiềm năng sản xuất kinh doanh từ rừng cho các tổ chức quản lý rừng, góp phần nâng cao tỷ trọng kinh tế lâm nghiệp.

Trong giai đoạn 2011-2013, tổng diện tích rừng cung ứng dịch vụ được chi trả là 324.919,3 ha; và cũng trong giai đoạn này, đã ký kết được 18 hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền gần 428 tỷ đồng. Hiện, đã thu được trên 387 tỷ 271 triệu đồng; chi trả trên 174 tỷ 500 triệu đồng, trong đó chi trả cho các chủ rừng trên 152 tỷ 310 triệu đồng; chi hỗ trợ các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trên 9 tỷ 142 triệu đồng; chi quản lý, vận hành bộ máy quỹ trên 13 tỷ đồng.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tiếp tục khai thác, huy động triệt để các nguồn thu nhằm nâng cao mức chi trả, góp phần tăng thu nhập cho người làm nghề rừng ổn định cuộc sống…

R.C.Kim