Chất thải đổ bậy, địa phương chả hay

ThienNhien.Net – Mỗi ngày có hàng chục tấn chất thải được các xe hút hầm cầu xả ra môi trường nhưng các cơ quan chức năng Đồng Nai không biết do chưa được báo cáo!

Tại Đồng Nai hiện có hàng chục công ty, cá nhân sử dụng các loại xe bồn nhỏ làm dịch vụ hút chất thải hầm cầu ở các khu dân cư. Các xe này thậm chí còn nhận hút cả chất thải độc hại ở bệnh viện, KCN. Theo quy định, loại chất thải này phải được đưa về nơi xử lý tập trung. Nhưng để giảm chi phí, một số công ty, cá nhân đã lén lút đổ chất thải ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Đổ bừa bãi khắp nơi

Lúc 8 giờ sáng 5-9, chúng tôi bám theo xe bồn 60C-132.64 lưu thông trên đường Đồng Khởi, hướng từ vòng xoay Tân Phong về ngã tư Amata. Chiếc xe nhanh chóng đi sâu vào cuối KCN Amata, qua cổng phụ rồi chạy lòng vòng theo những con đường đất đỏ và dừng lại ở một rừng tràm thuộc khu phố 7, phường Long Bình, TP Biên Hòa.

Khi xe vừa dừng, hai người đàn ông lập tức nhảy xuống mở van xả chất thải trong bồn ra rừng tràm. Thấy chúng tôi tiến lại gần quan sát, họ vội khóa van rồi lên xe bỏ chạy. “Không riêng gì xe 60C-132.64 mà rất nhiều xe rút hầm cầu khác cũng thường chở chất thải đến đây đổ bậy. Lý do là ở đây toàn rừng và nương rẫy, ít người sinh sống” – một người dân sống gần khu rừng tràm cho biết.

Xe bồn 60C-132.64 đang đổ trộm chất thải tại khu rừng tràm ở khu phố 7, phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai (Ảnh: T.Dũng/Pháp luật TP.HCM)
Xe bồn 60C-132.64 đang đổ trộm chất thải tại khu rừng tràm ở khu phố 7, phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai (Ảnh: T.Dũng/Pháp luật TP.HCM)

Tới 10 giờ sáng cùng ngày, chúng tôi phát hiện xe rút hầm cầu 60C-003.63 sau khi “ăn hàng” tại tổ 13, khu phố 5, phường Long Bình, TP Biên Hòa đã đem đi đổ trộm tại một khu đất trồng cao su ở ấp 8, xã An Phước, huyện Long Thành. Chỉ trong 30 phút, chúng tôi ghi nhận có tới năm xe bồn vào đổ chất thải ở khu đất này.

Chủ xe bồn 60V-0082 (bị chúng tôi bắt gặp đang đổ trộm chất thải) cho hay mỗi ngày công ty của anh có hàng chục chuyến xe rút hầm cầu khắp TP Biên Hòa. Mỗi xe như vậy được trả 700.000-800.000 đồng. Địa điểm được các tài xế của công ty này “ưa thích” là khu đất trống ở khu phố 11, phường Tân Phong, TP Biên Hòa.

Địa phương không biết (!?)

Những người dân sống gần rừng cao su ấp 8, xã An Phước, huyện Long Thành cho biết mỗi ngày có cả trăm chuyến xe bồn đến đây xả bậy. Qua tìm hiểu, họ được biết chủ khu đất trồng cao su đã cho các công ty, cá nhân thuê để xả thải. “Mùa mưa còn đỡ chứ khi trời nắng và có gió lùa thì mùi hôi thối bay khắp nơi, không thể chịu nổi” – ông Phạm Văn N., xã An Phước, cho biết.

Đáng ngạc nhiên là chính quyền địa phương lại không hay biết gì về việc này. Ông Phan Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã An Phước, cho biết xã chưa nhận được phản ánh của người dân về việc các xe hút hầm cầu đổ trộm chất thải ra rừng cao su. “Xã sẽ lập đoàn kiểm tra, nếu có việc này thì sẽ xin ý kiến của cấp trên để xử lý nghiêm” – ông Cảnh nói.

Tương tự, ông Bùi Đức Nam, Chủ tịch UBND phường Long Bình, cũng cho biết không nắm được tình hình vì chưa thấy khu phố báo cáo. “Sắp tới chúng tôi sẽ chỉ đạo các khu phố theo dõi, nếu phát hiện xe nào đang xả thải sẽ đưa về phường giải quyết. Phường cũng sẽ kiểm tra xem rừng tràm bị đổ trộm chất thải thuộc đơn vị nào quản lý để phối hợp giải quyết” – ông Nam thông tin.

Nguy cơ phát tán bệnh ra môi trường

Những chất thải từ bồn cầu dân sinh bắt buộc phải qua các công đoạn xử lý chặt chẽ. Nếu được thải trực tiếp ra môi trường thì đó sẽ là mầm mống gây nên những bệnh truyền nhiễm rất nguy hại cho cộng đồng.

BS CAO TRỌNG NGƯỠNG, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai

Việc làm trái pháp luật

Việc xả các chất thải hầm cầu trực tiếp ra môi trường là trái quy định pháp luật. Nếu muốn sử dụng trong nông nghiệp cũng cần phải qua ủ hoại lâu dài, sau đó mới dùng bón cho cây được. Từ trước đến nay Sở chưa phát hiện tình trạng đổ bậy chất thải như báo phản ánh. Sắp tới Sở sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm.

Ông NGUYỄN NGỌC THƯỜNG, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai