Lâm trường lâm… nợ! – Bài 1

Bài 1: “Sống dở, chết dở”

ThienNhien.Net – Tây Nguyên hiện có 56 lâm trường đã chuyển đổi thành Cty TNHH MTV Lâm nghiệp (gọi tắt là Cty lâm nghiệp) với diện tích đất lâm nghiệp quản lý là hơn 998 nghìn ha đất. Sau 10 năm chuyển đổi, các Cty lâm nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ nặng nề. Nhân viên bảo vệ rừng vừa thiếu, vừa yếu, gặp lâm tặc hung tợn… thì bỏ chạy. Tình trạng nợ lương nhân viên kéo dài gây tâm lý hoang mang… Có trường hợp, giám đốc Cty chủ động viết đơn xin rời khỏi “con tàu đắm”.

Bán bò để… trả nợ

Tại Đắc Lắc, 15 lâm trường đã chuyển đổi thành Cty lâm nghiệp với tổng diện tích rừng và đất rừng đang quản lý là 196.523ha. Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắc Lắc, trong số 15 Cty nói trên hiện chỉ có 3 Cty “cầm cự” được, những Cty còn lại đều rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở”. Tại những Cty này, chỉ tiêu khai thác gỗ hằng năm không còn, nguồn thu chủ yếu dựa vào kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng nhưng lại không đủ chi tiêu hằng năm. Phía Cty “chống chế” bằng cách liên tục cắt giảm nhân sự, nợ lương, nợ bảo hiểm, gây tâm lý hoang mang cho nhân viên, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng.

Trong số 4 Cty lâm nghiệp đóng ở H. Ea Súp (Đắc Lắc) như Cty Cư Mlan, Cty Ea H’mơ, Cty Rừng Xanh, Cty Ya Lốp thì Cty Ea H’mơ thuộc dạng “khá” nhất trong số những Cty “sống dở chết dở”. Nói “khá” bởi trong lúc các Cty khác nợ lương “đầm đìa” thì Cty Ea H’mơ không xảy ra tình trạng này. Ông Huỳnh Văn Mến, Giám đốc Cty Ea H’mơ cho biết: “Cty hiện quản lý hơn 17,6 nghìn ha rừng và đất rừng. Năm 2011, Cty không còn chỉ tiêu khai thác gỗ nên kinh phí hoạt động chỉ biết trông chờ vào nguồn hỗ trợ đối với diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất nghèo kiệt. Số tiền hỗ trợ này không đủ chi tiêu hoạt động của Cty. Từ năm 2011 – 2013, trung bình mỗi năm Cty thiếu hụt khoảng hơn 1,2 tỷ đồng. Để bù lỗ, hằng năm Cty “cắn răng” bán hàng chục con bò. Hiện Cty không còn bò, không biết những năm tới lấy gì để trả nợ”.

Lâm tặc "nhởn nhơ" trước mặt nhân viên bảo vệ rừng của Cty rừng xanh (Ảnh: Công an TP.Đà Nẵng)
Lâm tặc “nhởn nhơ” trước mặt nhân viên bảo vệ rừng của Cty rừng xanh (Ảnh: Công an TP.Đà Nẵng)

Trong khi đó, tại Cty Cư Mlan, tình hình càng bi đát hơn. Hiện Cty đang nợ hơn 7,7 tỷ đồng, bao gồm tiền thuê đất, nợ vay ngoài, nợ thuế, tiền phạt… Từ tháng 2 đến nay, 28 nhân viên của Cty này phải sống trong cảnh “ăn bám” vợ con vì khoản lương hàng tháng của họ hiện đang bị Cty nợ.

Tại Đắc Nông, 14 Cty lâm nghiệp (quản lý 160 nghìn ha) cũng chẳng khá hơn. Theo ông Vũ Minh Khôi, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đắc Nông: “Các Cty hiện không còn chỉ tiêu khai thác gỗ. Nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng không đủ duy trì hoạt động bộ máy. Có Cty nợ lương, nợ bảo hiểm 6 tháng liền như Cty Quảng Đức… Nhiều cán bộ Cty xin nghỉ nhưng giám đốc không đồng ý… vì Cty không có tiền hỗ trợ nghỉ việc cho nhân viên theo luật lao động”.

“Tháo chạy” khỏi “con tàu đắm”

Công việc vất vả, hiểm nguy nhưng lương bổng không tương xứng với công sức lao động. Cộng với việc Cty làm ăn thua lỗ kéo dài khiến nhiều nhân viên cảm thấy không có tương lai, nên đã chủ động viết đơn xin rời khỏi “con tàu đắm”. Năm 2010, 2 cán bộ ở phân trường 1 đóng tại xã Ea Lê (H. Ea Súp), thuộc Cty Cư Mlan đã xin nghỉ khỏi Cty để về… làm rẫy với vợ con. Cá biệt hơn là trường hợp của ông Trần Quyết Tâm, Giám đốc Cty Trường Xuân (đóng tại xã Trường Xuân, H. Đắc Song, Đắc Nông). Sau chuyển đổi, Cty Trường Xuân làm ăn bết bát. Cty liên tục cắt giảm lao động từ 40 người (năm 2011) xuống còn 20 người (cuối năm 2013). Tình trạng nợ lương lao động kéo dài hàng tháng trời. Cty lại không có tiền mua sắm công cụ bảo vệ rừng, mọi hoạt động sản xuất bị tê liệt nên giám đốc Trần Quyết Tâm đã viết đơn xin nghỉ nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Ảnh: Công an TP.Đà Nẵng)
Ảnh: Công an TP.Đà Nẵng)

Tại các Cty lâm nghiệp, lực lượng bảo vệ rừng vốn đã mỏng, công cụ hỗ trợ lại hạn chế, chỉ được trang bị dùi cui điện, gậy cao su, bình xịt hơi cay…, trong khi lâm tặc vốn đông, hoạt động theo nhóm, lại vô cùng hung dữ, lì lợm. Chính vì tương quan này nên lâm tặc dễ dàng “bắt nạt” nhân viên bảo vệ rừng khi lợi ích bị đe dọa. Ông Nguyễn Trọng Hải, Phó giám đốc Cty Rừng Xanh chua chát nói: “Mang tiếng là đi thi hành công vụ nhưng có lúc bị lâm tặc rượt đánh chúng tôi phải… bỏ chạy.

Biết là nhục nhưng công cụ hỗ trợ yếu, không chống cự lại được nên chỉ còn cách chạy để tự cứu mình”. Một thực tế bi hài khác được chúng tôi ghi nhận là có cán bộ Cty đã tự nguyện nghỉ làm “sếp” để chuyển sang làm lính. Năm 2013, anh Phạm Văn Hiển, Trưởng phân trường Cư Amung, thuộc Cty Rừng Xanh đã viết đơn xin từ chức phân trường trưởng để xin làm nhân viên bình thường của phân trường này. Lý do, theo Phó giám đốc Nguyễn Trọng Hải: “Làm chỉ huy căng thẳng, thường bị lâm tặc đe dọa… Làm lính nhẹ nhàng, đỡ áp lực hơn”. Cũng vì thực tế yếu kém của các Cty lâm nghiệp nên hằng năm, các Cty này không giữ được lao động có trình độ cao.

Cụ thể như Cty Cư Mlan từng mời 3 kỹ sư về làm việc nhưng chỉ trong 3 tháng, những lao động “chất xám” này đã rời Cty vì lương bổng chỉ bằng với nhân viên bình thường. Một thực tế khác được các Cty phản ánh, khi họ còn làm ăn được, lực lượng chức năng (như xã, kiểm lâm) rất “nhiệt tình” phối hợp với họ để tuần tra bảo vệ rừng. Đến khi Cty rơi vào khó khăn, những đơn vị này không còn “mặn mà”, khiến công tác bảo vệ rừng gặp khó. Chính ông Nguyễn Hoài Dương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Lắc cũng thẳng thắn thừa nhận tính xác thực của những phản ánh trên.

Về các Cty lâm nghiệp thời điểm này, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy sự mệt mỏi, rệu rã của nhân viên, những tiếng thở dài thườn thượt của các chủ rừng. Nhìn một số Cty lâm nghiệp chẳng khác nào “con tàu đắm”.