Cây trồng biến đổi gen: Nhiều câu hỏi đang được giải đáp

ThienNhien.Net – Cây trồng biến đổi gen được sản xuất như thế nào, ảnh hưởng tới sức khỏe con người ra sao, hiệu quả kinh tế đến đâu… là những vấn đề mà dư luận rất quan tâm sau khi Bộ NNPTNT cấp phép sản xuất 4 giống ngô có nguồn gốc biến đổi gen ở Việt Nam.

Các giống ngô lai có đặc tính chống chịu sâu bệnh và chống hạn của công ty Dekalb trồng tại Anh Sơn - Nghệ An. Đây cũng là công ty sở hữu 2 trong 4 giống ngô BĐG đầu tiên vừa được Bộ NNPTNT cấp phép (Ảnh: Đỗ Hương/Chinhphu.vn)
Các giống ngô lai có đặc tính chống chịu sâu bệnh và chống hạn của công ty Dekalb trồng tại Anh Sơn – Nghệ An. Đây cũng là công ty sở hữu 2 trong 4 giống ngô BĐG đầu tiên vừa được Bộ NNPTNT cấp phép (Ảnh: Đỗ Hương/Chinhphu.vn)

Theo Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) thì cây trồng biến đổi gen (BĐG) là cây trồng có các gen ngoại lai cụ thể được đưa vào cấu trúc DNA bằng kỹ thuật di truyền.

Các loại giống cây trồng xử lý bằng phóng xạ, bằng nhân lai chéo, bằng đột biến nhờ hóa chất… đều không phải là cây trồng biến đổi gen.

Kể từ khi đưa vào canh tác lần đầu vào năm 1996, tổng diện tích canh tác lũy kế của cây trồng BĐG đến nay đạt 1,5 tỷ ha.

Trong số 27 nước canh tác cây trồng BĐG, năm 2013, có 19 nước đang phát triển và 8 nước phát triển.

5 quốc gia có diện tích canh tác BĐG lớn nhất là Mỹ (70,2 triệu ha); Brazil (40,3 triệu ha), Argentina (24,4 triệu ha), Ấn Độ (11 triệu ha), Canada (10,8 triệu ha). Tại châu Âu, khu vực có làn sóng chống cây trồng BĐG mạnh mẽ nhất, đã có 148.013 ha ngô BĐG được gieo trồng.

Giai đoạn 1996-2012, cây trồng BĐG đã tạo ra khối lượng lương thực, nguyên, nhiên liệu trị giá 116,9 tỷ USD.

Việc ứng dụng cây trồng BĐG đã tạo một môi trường tốt hơn bằng cách tiết kiệm 497.000 tấn thuốc trừ sâu; giảm lượng 26,7 triệu tấn khí CO2; tiết kiệm 123 triệu ha đất.

Về kinh tế, cây trồng BĐG đã giúp xóa đói giảm nghèo cho trên 16,5 triệu hộ nông dân trên khắp thế giới.

Lợi ích và sự phát triển của cây trồng BĐG được thống kê khá cụ thể nhưng tác động của những sản phẩm từ loại cây trồng này đối với sức khỏe của con người vẫn tiếp tục được tranh luận. Những ý kiến phản đối bày tỏ e ngại việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc BĐG chưa đủ lâu dài để biết được ảnh hưởng đối với con người.

ISAAA cho rằng cần tiếp tục đánh giá độ an toàn của thực phẩm BĐG dựa trên các yếu tố và chỉ tiêu như ảnh hưởng sức khỏe một cách trực tiếp (độc tính); dị ứng; các thành phần cụ thể chứa chất dinh dưỡng hoặc chất độc hại; sự ổn định của gen chèn; sự ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng liên quan đến biến đổi gen; bất kỳ tác dụng không mong muốn từ kết quả của sự chèn gen.

Tại Việt Nam, đã có bốn giống ngô BĐG đầu tiên được Bộ NNPTNT công nhận đủ điều kiện an toàn để đưa vào sản xuất.

Giống ngô MON 89034 trở thành thực vật biến đổi gen đầu tiên nhận được Bộ TNMT và Bộ NNPTNT cùng công nhận cho đến thời điểm này.

Trước khi được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học tại Việt Nam, MON 89034 đã được cấp phép phóng thích vào môi trường tại 8 quốc gia trong đó có Canada, Mỹ, Nhật Bản, Brazil.

Ba sản phẩm nằm trong danh mục đã cấp phép của Bộ NNPTNT là giống ngô BT 11, MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và NK 603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam, đang được Bộ TNMT xem xét.

Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong tiến trình ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp.