Tê giác sẽ tuyệt chủng vào năm 2020?

ThienNhien.Net – Với tốc độ bị giết hại nhanh và nhiều như hiện nay, các nhà bảo tồn thiên nhiên dự báo, tê giác sẽ bị tuyệt chủng vào năm 2020.

Được xem như một biểu tượng của giàu sang, quyền lực, sừng tê giác chủ yếu được tiêu thụ tại Việt Nam và Trung Quốc với mục địch dùng làm quà biếu, hối lộ hoặc sử dụng như một loại “thần dược” chữa ung thử, giải say rượu… Việc này đã khiến số lượng cá thể tê giác bị các băng nhóm tội phạm săn bắn trái phép để lấy sừng tăng lên gấp nhiều lần trong những năm qua.

Tê giác có thể bị tuyệt chủng vào năm 2020 nếu không giảm săn bắn bất hợp pháp để lấy sừng (Ảnh: africageographic.com)
Tê giác có thể bị tuyệt chủng vào năm 2020 nếu không giảm săn bắn bất hợp pháp để lấy sừng (Ảnh: africageographic.com)

Cụ thể, nếu trong năm 2007, tại Nam Phi, chỉ có 13 cá thể tê giác bị giết hại để lấy sừng thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên 1.004 cá thể. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Môi trường Nam Phi cho biết, tính đến ngày 26.8.2014, đã có thêm 668 con tê giác bị giết hại một cách dã man để lấy sừng. Trong vòng 40 năm qua, lượng cá thể tê giác trong tự nhiên đã giảm đến 95% do nạn săn bắn tê giác để lấy sừng của các băng nhóm tội phạm.

Tổ chức Cứu trợ hoang dã WildAID, Quỹ Hoang dã Phi châu cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả thế giới còn khoảng chưa đến 29.000 cá thể tê giác, thuộc 5 loài, chủ yếu phân bố tại Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Nam Phi… Trung bình mỗi ngày có 3 cá thể tê giác bị giết hại. Với tốc độ này, dự báo đến năm 2020, tê giác sẽ biến mất khỏi trái đất.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng – giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (Change), cho biết, nguyên nhân dẫn tới việc số lượng tê giác bị giết hại tăng mạnh là do một bộ phận người dân Việt Nam và Trung Quốc tin rằng, uống bột sừng tê giác có tác dụng chữa ung thư.

Tuy nhiên, GS. Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam lại khẳng định, sừng tê giác có cấu tạo từ chất sừng, tương tự tóc và móng tay con người. Do đó, không có một nghiên cứu khoa học hay chứng nhận y học nào cho thấy việc dùng sừng tê giác chữa bệnh là có hiệu quả.

GS.Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng: Sừng tê giác hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh ung thư (Ảnh: Dân Việt)
GS.Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng: Sừng tê giác hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh ung thư (Ảnh: Dân Việt)

Để tăng cường bảo vệ tê giác khỏi mối đe dọa tuyệt chủng, từ năm 1993, Trung Quốc đã ban lệnh cấm sử dụng sừng tê giác trong y học cổ truyền, tháng 4.2012, Nam Phi cũng đình chỉ việc cấp phép săn bắn cho mọi công dân Việt Nam.

Các tổ chức bảo tồn thiên nhiên cũng thực hiện di chuyển hơn 500 cá thể tê giác đến nơi an toàn hay tiêm thuốc độc vào sừng tê giác để hạn chế việc sử dụng sản phẩm này. Tổ chức Change, WildAID và Quỹ Hoang dã Châu phi cũng đã bắt tay thực hiện chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê” với mục tiêu “Không có người mua, không còn kẻ giết”.

Dù vậy, việc bảo vệ đàn tê giác vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, giá sừng tê giác ở vào mức rất cao, khoảng 65.000USD/kg, tức khoảng 1,4 tỷ đồng/kg càng khiến nhiều tội phạm, phần lớn đến từ Việt Nam và Trung Quốc, bất chấp mọi thủ đoạn để săn bắn trái phép. Năm 2013, có 101 người bị bắt ở Nam Phi liên quan đến các hành động săn bắn, vận chuyển trái phép sừng tê giác thì có đến 77 người là công dân Việt Nam.