Tìm đường cho khai thác khoáng sản bền vững

ThienNhien.Net – Ít có địa phương nào có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như Sơn La. Từ than, sắt, đồng, niken, vàng sa khoáng, đồng, chì, thủy ngân, pirit, đá vôi… đều có. Nhưng việc quản lý và quy hoạch sử dụng hợp lý 120 mỏ, điểm mỏ là thách thức không nhỏ đối với địa phương này.

Khai thác khoáng sản rất cần chú trọng đến bảo vệ môi trường (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Khai thác khoáng sản rất cần chú trọng đến bảo vệ môi trường (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Tập trung xử lý các điểm nóng

Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản kim loại, than đá và cấp phép để khai thác khoảng 56 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong số các giấy phép do UBND tỉnh Sơn La cấp có 6 giấy phép khai thác quặng đồng, 3 giấy phép khai thác và chế biến chì, 3 giấy phép khai thác vàng, vàng sa khoáng, 5 giấy phép khai thác than, 1 giấy phép khai thác magnezit… Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có một số doanh nghiệp hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến quặng kim loại do Trung ương cấp phép như mỏ đồng – niken Bản Phúc (Tạ Khoa, huyện Bắc Yên). Tuy vậy, trong quá trình hoạt động khai thác, nhiều đơn vị được cấp phép còn sử dụng thiết bị, công nghệ lạc hậu, dẫn đến không đảm bảo về môi trường sinh thái trong khu vực.

Trung tá Cao Đức Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Mường La cho biết: Trong những tháng đầu năm 2014, huyện Mường La nổi lên là điểm nóng về khai thác vàng sa khoáng. Việc người dân bỏ ruộng đổ xô đi mót vàng đã để lại biết bao hệ lụy. Cả quả núi bị xẻ xuống và khoét sâu, có chỗ đến hàng mấy chục mét. Ngay cả đường đi lại của bà con trong bản cũng có vết nứt sâu có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Nguy hại nhất, phần lớn diện tích ruộng của các bản trong khu vực không có nước sản xuất theo đúng thời vụ, vì dòng suối Toong đã trở thành “bùn”. Hơn thế nữa, dòng suối chảy dọc thị trấn Ít Ong đổ ra sông Đà hiện đặc như bùn, lẫn trong đó là nhiều hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường.

“Chúng tôi đã nhiều lần tham mưu cho UBND huyện giải quyết, làm trong sạch địa bàn, sau đó bàn giao cho xã quản lý nhưng sau một thời gian, mọi chuyện lại đâu vào đó. Vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, việc khai thác vàng trái phép tái diễn phức tạp. Dù biết khai thác vàng là trái phép, gây nguy hiểm cho bản thân, gây ô nhiễm môi trường, nhưng ước mơ làm giàu từ vàng sa khoáng vẫn thôi thúc không ít người dân tìm đến đây”, ông Hùng khẳng định.

Trước thực trạng đó, Công an huyện Mường La đã chủ động phối hợp với Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện, UBND xã Pi Toong tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết không khai thác khoáng sản trái phép, đồng thời bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm.

Rà soát hết các điểm mỏ

Trao đổi về vấn đề này, ông Cầm Hạ Thiết, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La nhận định: Đáng quan tâm nhất hiện nay là số lượng các mỏ khoáng sản, các doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác mới chú ý đến lợi nhuận, chưa chú trọng đến đầu tư công nghệ, thiết bị để thu hồi tối đa, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản, tổn thất khoáng sản còn lớn, sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hàng năm khó kiểm soát. Đặc biệt, trong quá trình khai thác, các đơn vị chưa khắc phục hiện trạng môi trường nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan môi trường xung quanh.

Từ giờ tới cuối năm, tỉnh Sơn La sẽ tiến hành rà soát hết các điểm mỏ, quặng nhằm bảo đảm việc khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm an toàn môi trường. Với các điểm mỏ chưa triển khai, các điểm mỏ vi phạm bị xử lý, cần kiểm tra để thu hồi… góp phần quản lý tốt nguồn tài nguyên khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Được biết, tổng số các dự án đang tiến hành khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng gần 20 giấy phép, trong đó tập trung chủ yếu vào khai thác đá, cát làm vật liệu xây dựng. Theo ông Cẩm Hạ Thiết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn các chủ doanh nghiệp lập các dự án báo cáo kết quả môi trường, lập các dự án thẩm định tác động, đề án cải tạo, bảo vệ môi trường…

“Trong quá trình hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác khoảng sản thì việc quản lý đất đai, phục hồi tài nguyên, cải tạo môi trường có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Đặc biệt công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, Sở còn xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát kiểm soát ô nhiễm; quy hoạch các loại khoáng sản để tiến hành khoanh vùng cấm và tạm thời cấm khai thác khoáng sản”, ông Thiết khẳng định.