Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu

ThienNhien.Net – Qua 8 năm triển khai đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của nhân dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong toàn lưu vực, công tác chỉ đạo, điều phối ở cấp lưu vực và cấp tỉnh được hình thành, công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng hiệu quả, nâng cao ý thức và hành động của doanh nghiệp và nhân dân.

Môi trường lưu vực sông Cầu đang cần được bảo vệ (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Môi trường lưu vực sông Cầu đang cần được bảo vệ (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt thành phố với công suất 28.000m3/ngày đêm đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả. Tỉnh đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề thị xã Từ Sơn với công suất giai đoạn I là 20.000 m3/ngày đêm.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Cầu, mới đây tại các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương cho thấy, các tỉnh trong lưu vực đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý môi trường, phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục ô nhiễm môi trường sông Cầu.

Trong 8 năm qua, các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu đã triển khai hơn 60 dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, bảo vệ môi trường như: dự án trồng rừng đầu nguồn sông Cầu tại tỉnh Bắc Kạn, mô hình quản lý và xử lý các nguồn thải công nghiệp, khai khoáng; mô hình xử lý môi trường làng nghề, hỗ trợ các hộ xây hầm biogas; cơ chế hỗ trợ và công nghệ xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt; cơ chế thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn, xử lý các điểm ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu… Các nguồn vốn được huy động đa dạng hoá từ ngân sách, vốn ODA, xã hội hoá công tác đầu tư hạ tầng cơ sở cho hoạt động bảo vệ môi trường, mức chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường chủ yếu là lớn hơn 1% …

Bắc Ninh là địa phương có nhiều cơ sở hoạt động ảnh hưởng đến môi trường nước sông Cầu. Theo Phó giám đốc Sở TN&MT Bắc Ninh – Nguyễn Ngọc Sơn, hiện trên địa bàn 80% các cơ sở sản xuất xây dựng mới có công nghệ sạch, có thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 85,7% các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó có 6/7 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung như KCN Quế Võ, Tiên Sơn, Yên Phong I, VSIP, Thuận Thành III, Đại Đồng – Hoàn Sơn. Cùng với đó, công tác quản lý chất thải nguy hại và chất thải bệnh viện đã được thu gom, xử lý đạt trên 90%; 80% cơ sở có sử dụng hóa chất đã xây dựng biện pháp phòng ngừa và ứng phó với sự cố hóa chất.

Trong thời gian tới, để bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, Ủy ban BVMT lưu vực sông Cầu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các văn bản Quy phạm pháp luật về các ngành nghề sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần hạn chế đầu tư tại một số địa bàn thuộc các lưu vực sông liên tỉnh; các Bộ, ngành Trung ương và địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Đề án sông Cầu hiệu quả hơn nữa.

Ủy ban BVMT lưu vực sông Cầu cũng đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu đổi mới các hoạt động nhằm tăng cường vai trò đầu mối và hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nghiên cứu, đề xuất cơ chế tăng cường nguồn lực tài chính để triển khai Đề án; xây dựng và hướng dẫn các tỉnh về cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin môi trường cho lưu vực sông Cầu; các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu tích cực tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc xả thải của các cơ sở sản xuất; thống kê, xác định các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải và báo cáo công khai các số liệu hàng năm; xử lý triệt để 7 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh; đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án xử lý nước thải khu đô thị, dân cư; đầu tư cho hệ thống quan trắc nhất là hệ thống quan trắc tự động.