‘Bật đèn xanh’ phá rừng phòng hộ?

ThienNhien.Net – Nguyên nhân hồ thủy lợi bị trơ đáy, rừng phòng hộ cháy liên tục, nguồn nước sinh hoạt khan hiếm, nhà dân lún nứt, hệ thống đường sá bị xuống cấp… được cho là bắt nguồn từ việc khai thác đất đá tại khu vực núi Khe Su (Mồng Gà), xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) trong thời gian qua.

Đất đá đã và đang bị đào bới nham nhở, khoét sâu vào khu vực rừng phòng hộ Ngàn Phố là hình ảnh cho thấy sự bất lực và lúng túng của các cơ quan chức năng tại địa phương. Hàng ngày, có 2 – 3 chiếc máy múc và hàng chục xe ben vào ra khai thác đất tại khu rừng Khe Su, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

'Bật đèn xanh' phá rừng phòng hộ? (Ảnh: Người đưa tin)
Rừng thông phòng hộ ở xã Sơn Bình đang bị xâm hại (Ảnh: Người đưa tin)

Rừng thông phòng hộ ở xã Sơn Bình đang bị xâm hại.

Một cán bộ thuộc UBND xã Sơn Bình tiết lộ, đơn vị khai thác là Công ty TNHH Thương mại & Khai thác khoáng sản Phú Lộc An.

Tìm hiểu hồ sơ xin khai thác đất của Công ty Phú Lộc An, chúng tôi nhận thấy có sự mập mờ, bất thường trong quy trình xin khai thác mỏ. Có nhiều công đoạn “tiền trảm hậu tấu”, vừa khai thác vừa chờ giấy phép. Tờ trình gửi các cơ quan chức năng của công ty không có ngày tháng ban hành, không có số văn bản lưu trữ; địa chỉ của công ty cũng không ổn định. Giấy phép đăng ký kinh doanh ghi địa chỉ xóm 15, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn; có văn bản ghi địa chỉ công ty ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Trên thực tế, tại xóm 15, xã Sơn Bình không có một trụ sở doanh nghiệp nào như ghi trong giấy phép.

'Bật đèn xanh' phá rừng phòng hộ? (Ảnh: Người đưa tin)
Hai địa chỉ trên hai văn bản hoàn toàn khác nhau (Ảnh: Người đưa tin)

Khu vực mà Công ty Phú Lộc An đang khai thác đất nằm ngay khu vực rừng phòng hộ Ngàn Phố. Việc đào bới đất như hiện nay, gây ra những hệ lụy mà chúng tôi nêu trên, nó còn ngăn phá 2 dòng chính cung cấp nguồn nước cho hồ thủy lợi Khe Su.

Ngoài ra, người dân địa phương cho hay, khi mỏ đất này bị khai thác, dân đã có ý kiến với chính quyền nhiều lần về việc để xe quá tải qua lại làm hư hại đường sá; gây dư chấn làm sụt lún nhà dân. Xã và doanh nghiệp đã họp với dân, hứa sẽ sớm làm một con đường kiên cố nối QL8A vào khu mỏ. Tuy nhiên, đến nay, con đường mòn đi lại của người dân cũng đã bị đào bới lấy đất. Việc khắc phục, hỗ trợ như lời hứa, đến nay vẫn chưa thấy có biến chuyển gì.

Ông Lê Văn Ninh, một người dân ở xóm 5, xã Sơn Bình bức xúc: “Xe cộ chạy rầm rầm suốt ngày, đất đá văng khắp nơi, nhưng có ai khắc phục đâu. Nhà tôi và một số hộ trong xóm đã bị nứt, lún rồi. Nếu các nhà báo không làm, tôi sẽ tiếp tục có đơn kiến nghị để sớm ngăn chặn việc khai thác này”.

 Người dân địa phương bức xúc trước tình trạng khai thác trái phép (Ảnh: Người đưa tin)
Người dân địa phương bức xúc trước tình trạng khai thác trái phép (Ảnh: Người đưa tin)

Ông Cù Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho rằng, việc khai thác lẽ dĩ nhiên người dân sẽ kêu ca, phản ánh. “Sinh ra khai thác đất đá sẽ có những chỗ nọ chỗ kia khó tránh khỏi”, ông Điền tỉnh bơ.

Ông Nguyễn Đình Công, Trưởng phòng Tài Nguyên – Môi trường (TN – MT) cho hay: Trước đây, do cấp bách việc san lấp mặt bằng mở rộng QL8A, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho Công ty Phú Lộc An khai thác với một khối lượng tương đối chỉ trong 45 ngày (từ 21/5 – 4/7/2013). Đến nay, giấy phép đã hết hạn, lẽ ra đơn vị phải hoàn trả mặt bằng. Gần đây, công ty này khai thác trở lại. Khi cán bộ phòng TN – MT hỏi, công ty trả lời rằng đã được gia hạn giấy phép. “Nói thế, chứ vẫn chưa thấy họ xuất trình giấy phép. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra. Nếu đầy đủ thủ tục, đảm bảo an toàn thì mới cho khai thác tiếp”, một cán bộ thuộc Phòng TN – MT Hương Sơn cương quyết.

Một số người dân cho rằng, đứng sau việc khai thác đất đá này, do một cán bộ có thế lực trong lĩnh vực quản lý hạ tầng, giao thông, xây dựng ở địa phương “bật đèn xanh” và “chống lưng”…!?