Kết thúc cuộc đình công dai dẳng ở ngành khai khoáng Nam Phi

ThienNhien.Net – Ngày 24/6, Liên hiệp các nghiệp đoàn khai khoáng và xây dựng Nam Phi (AMCU) đã ký các thỏa thuận có giá trị ba năm với ba công ty sản xuất bạch kim lớn nhất nước này, nhằm chấm dứt cuộc đình công kéo dài hơn 5 tháng qua của hơn 70.000 thợ mỏ đòi tăng lương.

Ba công ty nói trên gồm Lonmin, Impala Platinum (Implats) và Anglo American Platinum (Amplats).

Theo thỏa thuận với AMCU, các thợ mỏ tại Implats và Amplats sẽ được tăng lương thêm 1.000 rand/ tháng (100 USD) trong vòng hai năm tới và 950 rand/tháng trong năm thứ ba, qua đó đưa mức lương cơ bản của một thợ mỏ mới vào nghề lên khoảng 8.500 rand/tháng vào năm 2015, không kể các lợi ích và các khoản phụ cấp. Còn tại công ty Lonmin, tất cả thợ mỏ sẽ được tăng lương trong cả ba năm, mỗi năm tăng 1.000 rand/tháng.

Công nhân ở Nam Phi đình công (Ảnh: AFP/Getty Images)
Công nhân ở Nam Phi đình công (Ảnh: AFP/Getty Images)

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã hoan nghênh diễn biến tích cực này trong ngành công nghiệp khai thác mỏ, đồng thời khẳng định mong muốn của Chính phủ Nam Phi thảo luận với tất cả các bên liên quan nhằm khôi phục sự ổn định trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Nhlanhla Nene cho rằng việc chấm dứt đình công trong ngành khai thác bạch kim sẽ giúp đất nước tránh được nguy cơ rơi vào suy thoái.

Ông Patrick Craven, phát ngôn viên của Tổng Liên đoàn lao động Nam Phi (COSATU) cũng hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được, theo đó mức tăng lương phù hợp với mức tối thiểu mà COSATU cho rằng có thể chấp nhận được đối với những người công nhân phải làm việc trong những điều kiện khó khăn và nguy hiểm.

Nam Phi chiếm 85% trữ lượng bạch kim của thế giới. Kim loại quý này không chỉ hữu dụng trong ngành kim hoàn mà còn trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Trong mấy năm qua, ngành khai thác bạch kim của Nam Phi rơi vào bất ổn nghiêm trọng do các cuộc đình công liên tiếp, cao điểm là cuộc đình công dẫn đến xung đột vào tháng 8/12012 khiến 44 người thiệt mạng.

Cuộc đình công kéo dài hơn 5 tháng vừa qua của hơn 70.000 công nhân mỏ được coi là dai dẳng nhất và tốn kém nhất trong lịch sử 130 năm của ngành khai khoáng Nam Phi, khiến các nhà sản xuất bạch kim nước này bị thiệt hại 2,3 tỷ USD doanh thu và bản thân các thợ mỏ cũng bị thất thu hơn 1 tỷ USD.