Vùng Đồng bằng sông Hồng ứng phó với BĐKH: Khoảng trống và giải pháp ưu tiên – Bài 1

ThienNhien.Net – Đồng bằng sông Hồng là một trong hai châu thổ của Việt Nam chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, dễ dẫn đến sự tổn thương về môi trường, xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Song, sự hợp tác liên vùng trong chiến lược ứng phó của các địa phương với thách thức mang tính toàn cầu này còn rời rạc, thiếu gắn kết. Để làm rõ hơn những bất cập cũng như các giải pháp, sáng kiến ứng phó, Báo Hànộimới khởi đăng loạt bài “Vùng Đồng bằng sông Hồng ứng phó với biến đổi khí hậu: Khoảng trống và giải pháp ưu tiên”.

Bài 1: Tiềm năng lớn, thách thức cũng không nhỏ

Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và sông Thái Bình là vùng kinh tế năng động nhưng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu (BĐKH), nhất là các ngành tài nguyên nước, nông nghiệp, ngư nghiệp… Nếu không có giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu những tác hại thì hậu quả rất khó lường.

Nước sông Hồng ngày càng cạn kiệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (Ảnh: Nhật Nam/Hà Nội Mới)
Nước sông Hồng ngày càng cạn kiệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (Ảnh: Nhật Nam/Hà Nội Mới)

Vùng tăng trưởng kinh tế cao

Kết quả rà soát mới đây của Văn phòng Winrock International tại Việt Nam, sông Hồng và sông Thái Bình là hai lưu vực lớn có diện tích khoảng 86.660km2 bao gồm 11 tỉnh, thành phố. Sinh kế của phần lớn người dân trong lưu vực chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trung bình khoảng 12%/năm. Do địa hình đa dạng, hệ thống thủy lợi khá tốt với 2.400km đê sông, 3.790km đê biển, 29 hệ thống công trình thủy lợi và nhiều hồ chứa lớn nhỏ, kênh tưới, tiêu nội đồng… nên trữ lượng nước phục vụ dân sinh khá dồi dào. Tuy nhiên, thời gian qua, phía thượng nguồn các sông xây dựng nhiều hồ đập tích trữ nước nên dẫn đến dưới hạ lưu gặp khó khăn trong kiểm soát nguồn nước. Bên cạnh đó, việc phát sinh chất thải, khí thải trong quá trình sản xuất gây hiệu ứng nhà kính và khai thác quá mức nguồn nước ngầm cũng khiến đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng…

Theo bà Trần Lan Hương, chuyên gia Văn phòng Winrock International tại Việt Nam, tiềm năng nước vùng Đồng bằng sông Hồng tương ứng với tần suất 50% thì tổng lượng nước trung bình nhiều năm là 133 tỷ mét khối, nếu tính tổng lượng nước mặt và nước ngầm có thể sử dụng được khoảng 135 tỷ mét khối/năm. Trong 5 tháng kiệt nhất về mùa khô hằng năm, tiềm năng nước mặt và nước ngầm có thể khai thác được khoảng 18,45 tỷ mét khối. Với tần suất khai thác và sử dụng trên tổng lượng tiềm năng nước tự nhiên bao gồm cả nước mặt và nước ngầm thì đến năm 2020, vùng ĐBSH sẽ xảy ra sự khan hiếm, buộc phải áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ. Trong khi ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng ngày càng khốc liệt, hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa nghiêm trọng đến tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Theo kịch bản, nếu nước biển tăng 1m, ảnh hưởng đến tiêu thoát nước 650.000ha đất canh tác trong vùng ĐBSH, có nơi nhiễm mặn xâm thực vào vùng cửa sông từ 25km đến 40km… Song, điều đáng quan ngại là, ngoài quy hoạch thủy lợi cho sông Hồng và sông Thái Bình của Bộ NN& PTNT năm 2011, hiện các bộ, ngành vẫn chưa có nghiên cứu đánh giá sâu về sự phân bổ tài nguyên nước của vùng này.

Trồng nhiều cây xanh là một trong những biện pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (Ảnh: Ngọc Bằng/Hà Nội Mới)
Trồng nhiều cây xanh là một trong những biện pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (Ảnh: Ngọc Bằng/Hà Nội Mới)

Thiệt hại khó lường

Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh Nam Định có 110.000ha đất trồng lúa và nuôi trồng thủy sản, ngoài ra còn có gần 4.000ha rừng phòng hộ và đặc dụng ngăn mặn ven biển. Do ảnh hưởng của BĐKH nên thiên tai là mối đe dọa lớn, thường xuyên đối với sự phát triển bền vững của Nam Định, đặc biệt là 3 huyện ven biển (Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy) thường xuyên bị bão lũ, ngập úng, xói lở bờ biển và xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sinh kế của 626.180 người dân, chiếm 34% dân số của tỉnh. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho nền kinh tế địa phương khi người dân sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp.

Các đánh giá bước đầu về tác động của BĐKH đối với nông nghiệp cho thấy, với kịch bản mực nước biển dâng cao 1m, khoảng 240.000ha đất sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSH bị ảnh hưởng; năng suất lúa giảm từ 8% đến 15% vào năm 2030 và có thể lên tới 30% vào năm 2050; tính rủi ro của ngành lâm nghiệp như giảm đa dạng sinh học, cháy rừng giai đoạn đến năm 2020 tăng từ 6% đến 40%. Kèm theo đó là nhiều mối đe dọa lớn như thiếu nước sinh hoạt, xâm nhập mặn và môi trường nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản bị ảnh hưởng… TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện Khí tượng, thủy văn và môi trường Việt Nam cho biết, đi đôi với nhiệt độ tăng sẽ làm mất đất, có tỉnh như Thái Bình, mực nước biển dâng 1m, 31,2% diện tích đất bị mất, với tỉnh Nam Định là 24%, TP Hải Phòng 17,4%…

Thực tế, năm 2012, cơn bão Sơn Tinh đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Nam Định gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp khoảng 500 tỷ đồng. Ở tỉnh Thái Bình, đợt mưa kéo dài từ ngày 29-10 đến 10-11-2008 gây ngập úng 30.028ha cây trồng vụ đông, thiệt hại gần 200 tỷ đồng. Ông Đỗ Như Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Bình cho biết: “Nếu nước biển dâng cao 1m thì sẽ có khoảng 90% diện tích tự nhiên của tỉnh chìm trong nước và nhân dân sẽ phải di cư đi nơi khác”. Tại tỉnh Ninh Bình, BĐKH cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng, từ năm 2001 đến nay, hạn hán liên tiếp trong vụ đông xuân tại 3 huyện miền núi làm 20% diện tích đất sản xuất nông nghiệp không thể canh tác được. Tình trạng xâm nhập mặn ở huyện Kim Sơn đã lấn sâu vào cửa sông Đáy 20-25km và sông Vạc 10-15km. Ngay như vụ đông xuân 2013-2014, độ mặn cao nhất là 1,0-1,5%o, có nơi lên tới 2,4%o ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, làm năng suất lúa giảm 20%…

Tại Hà Nội, đầu tháng 11-2008 xảy ra trận mưa, gây úng lịch sử gây thiệt hại trên 3.000 tỷ đồng (chưa kể thiệt hại sản xuất công nghiệp, dịch vụ)… Còn tại Hải Phòng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, triều cường, nước biển dâng làm ngập nhiều diện tích đất trồng lúa vùng thấp trũng ven sông, ven biển, khu nuôi trồng thủy sản…; đời sống, sản xuất của người dân và các công trình bị đe dọa khi có bão, gió mùa trùng với mức thủy triều cao và nước biển dâng. Gần nhất là năm 2013, cơn bão số 2 và 14 gây thiệt hại khoảng 600 tỷ đồng…