Xanh thật hay chỉ đánh bóng tên tuổi?

ThienNhien.net – Trong năm 2013, nhiều doanh nghiệp đã cam kết thực thi trách nhiệm môi trường và xã hội trong hoạt động của mình. Điều này được đánh giá là những tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển xanh, nhưng vẫn còn đó những hoài nghi rằng liệu đây có phải chỉ là chiêu trò mới của các doanh nghiệp nhằm đánh bóng tên tuổi. Đó cũng chính là câu hỏi được đặt ra trong bài viết dưới đây của tác giả Fred Pearce, nhà tư vấn về môi trường của Tạp chí New Scientist.

Tháng 11 năm 2013, thương hiệu Cocacola nổi tiếng toàn cầu khẳng định sẽ ngừng mua đường từ các nhà cung cấp không tôn trọng các quy định nhằm bảo vệ quyền về đất đai của cộng đồng. Cam kết này đã được đưa ra với Oxfam Anh, một tổ chức đã có quá trình vận động chống lại việc chiếm dụng đất đai của các doanh nghiệp.

Trước đó, một trong những doanh nghiệp sản xuất giấy lớn nhất thế giới – Asia Pulp and Paper (APP) – có trụ sở ở Jakarta, cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Doanh nghiệp này là mục tiêu của nhiều chiến dịch phản đối vì đã vắt cạn các cánh rừng Indonesia để nuôi những nhà máy bột giấy khổng lồ của mình. Tuy nhiên, tháng 2 vừa rồi, doanh nghiệp cho biết sẽ chuyển sang các nhà cung cấp là các đồn điền gỗ.

Chưa hết, một cam kết vượt ngoài mong đợi là khi doanh nghiệp dầu cọ lớn nhất thế giới Wilmar có trụ sở ở Singapore đảm bảo sẽ không có nhà cung cấp nào của họ phá rừng hay phá hủy khu vực đất than bùn. Hiện có 80% các nhà cung cấp dầu cọ trên thế giới cung cấp nguyên liệu cho Wilmar, chuyển biến này vì vậy có thể tạo nên sự thay đổi lớn lao trong nghành công nghiệp vốn được coi là nguyên nhân lớn nhất của nạn phá rừng ở Đông Nam Á.

Wilmar vốn dĩ cũng không có nhiều lựa chọn khi khách hàng lớn nhất của họ – Unilever tuyên bố sẽ rà soát lại hàng loạt các công ty cung cấp dầu để đảm bảo doanh nghiệp của họ không dính líu đến nạn phá rừng.

Những cam kết phát triển bền vững có thể có ý nghĩa lớn đối với các cánh rừng Indonesia (Ảnh: WRI.org)
Những cam kết phát triển bền vững có thể có ý nghĩa lớn đối với các cánh rừng Indonesia (Ảnh: WRI.org)

Dường như các doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn nhất thế giới đang nỗ lực nâng cao các tiêu chuẩn môi trường cho các hoạt động của mình và từ cả những đầu mối cung cấp hàng cho họ. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên, những cam kết như vậy được đưa ra và không ít lần chúng chỉ là những lời hứa suông không hơn không kém. Lời hứa đảm bảo quyền được thông tin và tham vấn của tập đoàn khai mỏ Rio Tino trước khi tiến hành một dự án lớn năm 2012 cuối cùng cũng “bốc hơi” có thể coi là một ví dụ tiêu biểu.

Thực tế này cho thấy cần một tổ chức giám sát để chắc chắn là những cam kết đã đưa ra sẽ được tuân thủ. Hiện nay, tổ chức The Forest Trust (TFT), một tổ chức phi chính phủ có văn phòng tại Anh và Thụy Sỹ đang thực hiện công việc này. Hiện tại, tổ chức này đã ký kết hợp đồng với Wilmar, APP, Nestle và nắm vai trò đầu mối đảm bảo các công ty sẽ thực hiện lời hứa của mình

Nói về cách thức hoạt động của TFT, ông Poynton, người sáng lập TFT vào năm 1999, cho biết: “Chúng tôi không phải những nhà kiểm toán. Chúng tôi không áp đặt việc các công ty phải làm gì. Chúng tôi chỉ hỗ trợ họ phát triển chính sách để giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm và giúp họ thực hiện các chính sách mà họ thấy phù hợp.

Đương nhiên, cũng có những ý kiến hoài nghi về hoạt động của tổ chức này khi cho rằng có thể họ hoạt động nhằm bảo vệ hình ảnh và thu hút khách hàng hơn đề cao trách nhiệm môi trường của các công ty.

Ngoài ra, còn một câu hỏi khác: Nếu các thương hiệu nổi tiếng cam kết trách nhiệm của mình với môi trường và xã hội, vậy những doanh nghiệp còn lại thì sao? Những người lạc quan đang hy vọng rằng các doanh nghiệp lớn, hàng đầu của ngành công nghiệp sẽ có những bước đi hiệu quả đầu tiên để các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể lấy đó làm gương. Trong khi đó, những người bi quan lại lo ngại rằng các doanh nghiệp khác chỉ thấy rằng những đối thủ của họ đang yếu đi khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường-xã hội và nhân dịp đó mà trục lợi.

Liệu đối thủ của Coca Cola là Pepsi sẽ có cam kết tương tự, doanh nghiệp dầu cọ Đông Nam Á Olam sẽ cùng quan điểm như Wilmar hay Asia Pacific Resources có tiếp bước kình địch APP hay không?

Câu trả lời sẽ cho ta biết đây có phải là bước ngoặt chuyển mình từ “cuộc đua xuống đáy” trở thành “cuộc đua lên đỉnh” trong đạo đức xã hội của các doanh nghiệp hay không.