Lao đao vì… mỏ – Bài 2

 Chuyện ở “xã bùn đỏ”

ThienNhien.Net – Từ ngày có các công ty vào khai thác quặng, xã Hùng Đức (Hàm Yên, Tuyên Quang) đã nhanh chóng được người dân “mệnh danh” là “xã bùn đỏ”. Lạ thay, “xã bùn đỏ” này chỉ cách tỉnh chưa đến 20km đường nhựa và cách huyện trên 30km.

Nơi không có… luật?

Người bạn già xứ thành Tuyên mộng mơ và mê mẩn những hình bóng giai nhân có xuất xứ thời chạy loạn Trịnh – Nguyễn nhấc máy điện thoại cho tôi. Sau một hồi dè dặt đặt vấn đề, anh lên giọng thách đố: Ông có bản lĩnh thì lên mỏ quặng Hùng Đức mà thâm nhập viết bài. Tan nát hết cả rồi ông ơi!

Nể bạn, bực vì một lời tỷ thí, tôi lên. Sau vài lần hẹn hò và thay đổi địa điểm gặp, anh bạn quê gốc Tuyên Quang mới ra gặp. Những sự cẩn trọng của anh cho thấy đây là một bãi quặng “có vấn đề” trong hàng trăm các bãi quặng mà tôi cùng cánh đồng nghiệp đã qua.

Anh lên “kế hoạch tác chiến”, hệt như chuyện kể trong những năm đánh giặc. Anh bảo, vào bãi quặng Hùng Đức có rất nhiều đường. Có 2 con đường chính dễ đi nhất là đường ở km 14 và km 24 (cách Tuyên Quang 14 và 24km theo hướng Tuyên Quang – Hà Giang). Nhưng theo anh, chúng tôi không nên đi theo đường này vì lúc nào cũng có người của một số công ty đang tham gia khai khoáng ở đây túc trực. Thấy người lạ, có sự tìm hiểu và chụp ảnh, họ sẽ theo và chuyện bất an khó hình dung sẽ đến.

Để có sự an toàn chúng tôi đã quyết định lấy con đường vào khu Di tích Ngân Khố Quốc gia để xâm nhập này bãi quặng có một không hai này. Theo con đường độc đạo, chúng tôi xuyên qua những địa danh như đồi cây mỡ, đồi cây quéo… Chạy khoảng 7km trên con đường mòn tin hin, trơn tuột và vắng dấu chân người, trước mắt chúng tôi khu mỏ quặng có tên Hùng Đức đã hiện ra.

Nham nhở, đỏ úa, sâu hoắm thùng vũng và những thung lũng bị biến thành hồ chứa đỏ toàn bùn là những hình ảnh đầy kinh hoàng đập vào mắt chúng tôi. Nhìn cảnh tượng này, chúng tôi lại nhớ đến những trận oanh tạc tọa độ của máy bay Mỹ thời kháng chiến đã từng xem qua phim, ảnh. Mầu đỏ khá đặc biệt do tàn dư của việc khai thác lộ thiên, rửa quặng lộ liễu và không theo một quy trình nào đang ngày đêm nhanh chóng lấy đi mầu xanh của những thôn bản trù phú.

Màu đỏ loang đến đâu, ruộng lúa, nương ngô và cây cối co rúm đến đấy. Anh bạn đi cùng, vốn là phóng viên theo dõi về môi trường, đã từng đi đến những vùng quặng hoành hành có tiếng nhất vẫn phải tặc lưỡi mà xót xa: Khai khoáng kiểu này chỉ có Tuyên Quang làm được. Khai khoáng kiểu này thì phải 100 năm nữa đất và cây mới… hồi sinh.

Để có số liệu, chúng tôi tìm đến với những nhà dân ven đường. Vốn là những người dân có ruộng, có vườn, có rừng bị các hoạt động khai thác khoáng sản xâm hại, nhưng lạ thay, khi được hỏi, họ đều nín thinh với những cái lắc đầu và những câu không biết. Anh thanh niên người Dao có tên T., vốn là người đi nhiều, lại bị mấy chủ mỏ khai thác trên đây “bùng” tiền công bức xúc: Ở đây dân sợ người khai thác khoáng sản lắm. Nói ra chẳng may họ biết, không bị dọa dẫm thì cũng rách việc. Họ không dám nói đâu!

Sự bình yên và trù phú của Hùng Đức bắt đầu bị xóa tan từ năm 2009, khi một số cá nhân và doanh nghiệp phát hiện ra nơi đây có một mỏ sắt lộ thiên. Sau một thời gian “xâm nhập”, “đặt vấn đề” với các ban, ngành, cao điểm nhất phải kể đến vào năm 2011, trên tinh thần “so đũa để chọn cột cờ” của tỉnh Tuyên Quang, đã cho một số doanh nghiệp “máu mặt” đã vào đây khai thác mà doanh nghiệp phải chú ý đến là Công ty TNHH thương mại Thanh Giang. Nhân lực, các loại máy xúc, xe tải lớn được đưa vào; đường sá, ruộng nương của nhiều thôn trong xã bị băm vằm. Trong vòng 4 năm của sự đào bới theo kiểu tận thu và hủy diệt này, Hùng Đức đã trở nên kiệt quệ.

Đường liên xã bị băm vằm bởi xe chở quặng
Đường liên xã bị băm vằm bởi xe chở quặng

Bất lực?

Được biết, xã Hùng Đức có diện tích 62,87km2, bao gồm các thôn như Thắng Bình, Đèo Tế, Cây Quéo, Khánh Xuân, Vân Nham, Xuân Đức, Thanh Vân. Ruộng của Hùng Đức rất hạn hẹp, người dân chủ yếu sống dựa vào rừng. Người dân tuy chăm chỉ nhưng hiện nay tỉ lệ đói nghèo của xã vẫn còn trên 20%. Cái nghèo chưa giảm thì hiện nay Hùng Đức lại có nguy cơ tái và tăng nghèo vì tình trạng khai thác khoáng sản có một không hai này!

Trong các thôn chịu hệ lụy của việc khai thác khoáng sản ở đây thì Thanh Vân là thôn chịu nhiều thiệt hại nhất. Núi Mạ trước kia cao ngất với bời bời sắn, ngô và các thứ cây trồng của dân nay đã bị các loại máy trọng tải lớn vào xúc, phá; giờ chỉ còn là một đồi đất tin hin. Đất có quặng được khai thác, người ta không thèm chở đi xa mà dùng các “vòi rồng” để hút nước, phun rửa lấy quặng ngay tại chỗ. Những dòng bùn do sự rửa quặng này “bò” xuống các hồ, ao, thung lũng, ruộng; phá hủy nhanh chóng đất canh tác của dân.

Con đường liên xã, nối với Quốc lộ 2 được đầu tư hàng chục tỷ đồng phục vụ đi lại của người dân nay đã bị các xe quặng băm nát một cách tơi bời. Mưa thì bùn, nắng thì bụi là cả những nỗi cực khổ mà người dân không biết kêu với ai. Từ thôn Thanh Vân, theo đường vào UBND xã là sự hiện diện của nhiều hồ bùn đặc quánh, rộng ngút ngát do tàn dư của việc rửa quặng hình thành. Người dân cho biết, trước đây, khi chưa có quặng, những hồ này vốn là ruộng, vườn và nơi trữ nước sản xuất, sinh hoạt cho dân. Nay thì chả có cái gì sống được trừ… mấy cây cột điện.

Để tìm hiểu thêm về hiện trạng khai thác khoáng sản một cách bừa bãi, khai thác không giống ai ở xã Hùng Đức, chúng tôi đã cất công tìm đến UBND xã. Chủ tịch đi vắng, mấy anh nhân viên cho chúng tôi số máy. Chúng tôi kết nối, đặt lịch làm việc nhưng ông Lý Văn Kim – Chủ tịch UBND xã kêu bận. Hỏi về tình trạng khai thác khoáng sản ở đây, ông Chủ tịch hồn nhiên: Tỉnh, huyện cho phép rồi, xã không biết đâu. Các anh cứ lên đấy mà hỏi?!

Ông Nguyễn Văn Đông – Trưởng Phòng TN&MT huyện Hàm Yên cho biết: Tất cả các công ty vào khai thác quặng sắt tại Hùng Đức đều do UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép. Phòng chỉ là đơn vị phối kết hợp để quản lý và giám sát. Theo ông Đông, việc phá hủy đường sá là có thật. Tuy nhiên, đến nay, với sự kết hợp, Phòng mới xử lý được… 1 trường hợp là cá nhân nhận rửa đãi quặng trong trường hợp không có phép. Để rõ thêm vấn đề, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ và tìm đến Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang. Nhưng tiếc thay không tiếp cận được một lãnh đạo nào ở đây và không có ai trả lời?!