Dân Xa La bức xúc vì phải mua nước ăn nhiễm độc

ThienNhien.Net – Khoảng hơn 1 tháng nay cư dân khu đô thị Xa La, Hà Đông (Hà Nội) sống trong tình trạng thiếu nước và phải sử dụng nước sinh hoạt bẩn. Qua phân tích mẫu nước cho thấy, khu vực này đang bị ô nhiễm rất nặng, trong đó hàm lượng Asen, amoni cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

Nhiều cư dân sống tại khu đô thị Xa La, Hà Đông (Hà Nội) đã phản ánh, khoảng hơn 1 tháng nay, kể từ sau vụ vỡ đường ống dẫn nước sạch Sông Đà (hồi đầu tháng 4/2014), người dân nơi đây phải chịu cảnh mất nước thường xuyên, và chất lượng nước không được như trước. Đặc biệt, theo phản ánh, nước sinh hoạt chuyển màu vàng và có dấu hiệu bị nhiễm độc.

Chị Linh Chi, một cư dân sống ở CT6 Xa La, Hà Đông cho biết, gia đình chị có con nhỏ và người già nên lượng nước sử dụng nhiều hơn, nhưng hơn 1 tháng nay tình trạng thiếu nước và nước có màu vàng khiến gia đình chị rất lo ngại.

“Dù nước có màu vàng đục nhưng vì sợ thiếu nước nên tôi vẫn phải mua thùng tích trữ, nhưng để sang ngày thứ hai là nước đã có hiện tượng nhầy nhầy, đóng cặn… Hơn 1 tháng nay tôi phải mua nước đóng chai về làm nước ăn cho gia đình, thật khổ quá!”, chị Linh than thở.

Cùng khu CT6, nhiều hộ khác cũng cho biết, nước sinh hoạt bị quá nhiều cặn bẩn nên nhiều hộ không dám dùng để ăn uống. Tuy nhiên, dù lo ngại nhưng các hộ vẫn buộc phải dùng cho nhu cầu hàng ngày. Khi đun nấu thịt, đã có hiện tượng giống như nước bị nhiễm độc.

Chị Nguyễn H, cư dân CT6 cho biết: “Khi luộc thịt heo, miếng thịt chuyển sang màu hồng, không giống như mọi khi tôi vẫn luộc thịt có màu trắng. Khi tìm hiểu thì được biết đó là do nước nhiễm độc Amoni…”

Hơn 1 tháng nay, nước ở khu đô thị Xa La có màu vàng và bị ô nhiễm nặng (Ảnh: Tiến Vinh/VnMedia)
Hơn 1 tháng nay, nước ở khu đô thị Xa La có màu vàng và bị ô nhiễm nặng (Ảnh: Tiến Vinh/VnMedia)

Một số cư dân sống ở CT4 Xa La cũng phản ánh hiện tượng nước bị nhiễm bẩn và khi luộc sườn, thịt đều có hiện tượng chuyển màu hồng. Khu chung cư thuộc Viện Bỏng Quốc Gia, nằm sát khu đô thị Xa La cũng chịu chung tình cảnh này.

Chị Nguyễn Tr. ở khu chung cư Viện Bỏng cho biết, các hộ dân khu chung cư rất bức xúc và đã dán tờ rơi nói về vụ nước bẩn và lấy ý kiến của mọi người để phán ánh tình hình. Chị Tr. cũng đã gọi điện tới Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông để phản ánh về chất lượng nước và được công ty hẹn sẽ cho người xuống lấy mẫu nước về kiểm tra.

“ Tôi rất bực mình vì nước bẩn cả tháng nay rồi mà không thấy Công ty nước sạch có ý kiến gì. Đã sống trong tình trạng khan hiếm nước, chúng tôi còn phải bỏ tiền mua nước bẩn…”, chị Tr. bức xúc nói.

Đã có lúc, nước khan hiếm tới mức các cư dân phải xách từng xô nước được trữ dưới bể ngầm của tòa nhà để sử dụng (Ảnh: Tiến Vinh/VnMedia)
Đã có lúc, nước khan hiếm tới mức các cư dân phải xách từng xô nước được trữ dưới bể ngầm của tòa nhà để sử dụng (Ảnh: Tiến Vinh/VnMedia)

Bàng hoàng với kết quả phân tích nước

Do có hiện tượng nước bị nhiễm độc, nhiều hộ dân đã chủ động gửi mẫu nước đi phân tích. TS. Lê Thanh Sơn, cán bộ nghiên cứu của Viện Công nghệ môi trường, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cũng là cư dân của CT6 cho biết, từ sau vụ vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà, nước sinh hoạt của gia đình ông rất đục và có mùi lạ, nên ông đã mang mẫu nước đến cơ quan phân tích. Ông Sơn rất bàng hoàng trước kết quả mẫu nước nhà mình, khi thấy nước đã bị ô nhiễm nặng: ô nhiễm Asen, Amoni và ô nhiễm hữu cơ.

Cụ thể, theo kết quả phân tích của Phòng Công nghệ điện hóa môi trường, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nước sinh hoạt của cư dân Xa La có hàm lượng Asen cao gần gấp 4 lần mức độ cho phép (tiêu chuẩn Việt Nam – TCVN); Amoni cao gấp 2,5 lần; chất hữu cơ (COD) cao gần gấp 4 lần; nhiễm khuẩn E.Coli và Coliform.

Nguy hại hơn, khi các chất độc này không thể xử lý hết bằng máy lọc nước mà hiện nay nhiều hộ dân đang dùng. Theo ông Sơn, hàm lượng amoni quá cao, nên dù dùng máy lọc nước RO loại lõi lọc tốt (Mỹ, Châu Âu) cũng chỉ có thể làm giảm 1 nửa vì Amoni thấm được qua màng lọc, do đó vẫn cao hơn mức cho phép.

Chất Amoni (chất được phân hủy từ các loại chất thải) có trong nước cực kỳ nguy hiểm vì khi gặp không khí sẽ chuyển hóa thành chất có khả năng gây ung thư. Khi ăn vào cơ thể, chất này sẽ kết hợp với chất có trong dạ dày tạo thành chất mới gây nguy cơ ung thư rất cao.Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) , sử dụng nước có nồng độ Asen từ 0,3 mg/l (hay 300 ppb) trở lên sẽ bị các bệnh ung thư ở gan, da, phổi… sau 3-4 năm.