Quảng Ninh : Nhiều đơn vị sản xuất than vi phạm bảo vệ môi trường

Theo kết quả kiểm tra của Cục Bảo vệ Môi trường tại một số đơn vị trong ngành Than tại Hạ Long và Cẩm Phả cho thấy hầu hết các đơn vị sau khi được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không đầy đủ các nội dung trong báo cáo ĐTM được duyệt.

Công ty Than Hà Tu hoạt động từ năm 1960 với nhiệm vụ khai thác, chế biến và kinh doanh than, công suất khai thác 2,5 triệu tấn/năm (công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm). Trong quá trình hoạt động, công ty đã được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường phê duyệt ĐTM.

Mặc dù Công ty đã có hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp lắng cơ học và kiềm hoá với khối lượng khoảng gần 8.000m3/ngày từ moong khai thác; thực hiện việc tưới nước, phun sương tại các khu vực phát sinh bụi và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định. Tuy nhiên, sau khi phân tích mẫu nước thải của Công ty vẫn thấy các chất như Sunfua vượt 3,9 lần; độ mầu vượt 2,8 lần và chất rắn lơ lửng vượt 1,4 lần.

Mặt khác Công ty không lập báo cáo ĐTM cho dự án mở rộng khi nâng công suất từ 1,2 triệu tấn lên 2,5 triệu tấn/năm, đồng thời không có hồ sơ đăng ký có phát sinh chất thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như vận chuyển quản lý chất thải nguy hại không đúng về bảo vệ môi trường.

Công ty Than Thống Nhất cũng trong tình trạng tương tự, lượng nước thải của công ty khoảng 400 m3/ngày. Qua kiểm tra và phân tích mẫu nước thải hầm lò cho thấy hàm lượng sắt vượt 6,4 lần; độ pH thấp hơn 1,9 lần tiêu chuẩn cho phép. Trong khi nguồn tiếp nhận nước thải của công ty là sông Mông Dương (khu Yên Ngựa) và vịnh Bái Tử Long – đây là khu vực cần được bảo vệ cảnh quan môi trường cũng như nguồn thuỷ sinh.

Công ty Than Mông Dương đi vào hoạt động đến nay hơn 20 năm. Trong những năm qua, Công ty đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm bảo vệ môi trường trong sản xuất than như đầu tư hệ thống tưới nước, thông gió và quan trắc khí hầm lò. Mặc dù vậy, khi phân tích mẫu nước thải thì tất cả các chất như Sunfua, hàm lượng chất rắn lơ lửng đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 6 lần tiêu chuẩn cho phép gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất là khu vực nước suối H.10 nơi tiếp nhận nước thải của công ty.

Có đơn vị làm nhiệm vụ tàng trữ, bảo quản, sản xuất chế tạo vật liệu nổ phục vụ cho hoạt động khai thác than đáng lẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt về công tác bảo vệ môi trường như Công ty Công nghiệp Hoá chất mỏ Quảng Ninh. Nhưng qua kết quả kiểm tra của Cục Bảo vệ Môi trường thì Công ty không có hệ thống xử lý khí thải và chưa thực hiện đúng quy định quản lý chất thải nguy hại và chương trình giám sát môi trường. Đặc biệt ngay cả khi phân tích mẫu nước thải đã xử lý trước khi thải ra môi trường vịnh Cửa Lục thì các hàm lượng Nitơ, amonia đều vượt từ 2,2 đến 6,5 lần tiêu chuẩn cho phép. Qua kết quả kiểm tra mặc dù các đơn vị đã có những biện pháp nhằm cải thiện, bảo vệ môi trường sản xuất nhưng hầu hết đều chưa đảm bảo tiêu chuẩn cho phép.

Để khắc phục tình trạng trên Cục Bảo vệ Môi trường có yêu cầu các đơn vị thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ; quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, xử lý các nguồn chất thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường theo quy định.
Có thể nói nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên một phần do các cấp chính quyền chưa quan tâm, buông lỏng công tác quản lý, thiếu sự phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc. Song phần lớn do các tổ chức đơn vị, doanh nghiệp, chạy theo lợi ích kinh tế đã bất chấp quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hầu hết các doanh nghiệp khi bị kiểm tra đều không nắm vững được các qui định của Nhà nước về công tác BVMT, không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án mở rộng nâng công suất. Trong thời gian tới bên cạnh việc đầu tư công nghệ sản xuất thì các đơn vị cần đặc biệt quan tâm đến công nghệ xử lý môi trường cần có cán bộ chuyên trách về môi trường để từng bước gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với trách nhiệm bảo vệ môi trường.