Xây dựng cơ sở dữ liệu đất trồng lúa

ThienNhien.Net – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 17/2014/TT-BTNMT hướng dẫn việc xác định ranh giới, diện tích và xây dựng cơ sở dữ liệu đất trồng lúa.

Theo đó, việc xác định ranh giới, diện tích đất trồng lúa, đất trồng lúa nước cần bảo vệ và đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt được thực hiện trực tiếp tại cấp xã; được tổng hợp thành cơ sở dữ liệu đất trồng lúa của huyện, của tỉnh và cả nước.

Thành phần tham gia xác định ranh giới, diện tích đất trồng lúa gồm Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND cấp huyện; UBND cấp xã.

Cơ sở để xác định ranh giới, diện tích đất trồng lúa, đất trồng lúa nước cần bảo vệ và đất chuyên trồng lúa nước cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, gồm: a- Hồ sơ địa chính; b- Số liệu thống kê, kiểm kê đất đai và bản đồ hiện trạng sử dụng đất; c- Báo cáo thuyến minh quy hoạch và bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Trường hợp có báo cáo thuyết minh quy hoạch và bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp xã thì sử dụng báo cáo thuyết minh và bản đồ quy hoạch sử dụng đất của cấp xã và huyện; d- Chỉ tiêu diện tích đất trồng lúa, đất chuyên trồng lúa nước do quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp trên trực tiếp phân bổ trong kỳ quy hoạch; đ- Báo cáo thuyết minh và bản đồ quy hoạch xây dựng nông thôn mới (nếu có); e- Báo cáo thuyết minh và bản đồ phân hạng đất trồng lúa (nếu có); g- Báo cáo thuyết minh và bản đồ quy hoạch sử dụng đất trồng lúa (nếu có).

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố công khai kết quả xác định ranh giới, diện tích đất trồng lúa, đất trồng lúa nước cần bảo vệ, đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt của địa phương trên trang thông tin điện tử của Sở.

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất trồng lúa

Thông tư cũng quy định, nguyên tắc, yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu đất trồng lúa thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 04/2013/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Trường hợp dữ liệu đất trồng lúa của các địa phương đã thành lập nhưng chưa phù hợp với các quy định tại Thông tư này thì phải tiến hành cập nhật, chuẩn hóa, chuyển đổi cho phù hợp.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm cập nhật dữ liệu đất trồng lúa khi có biến động theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra định kỳ 6 tháng 1 lần việc xây dựng, cập nhật dữ liệu đất trồng lúa cấp tỉnh, cấp huyện và báo cáo Tổng cục Quản lý đất đai.

Tổng cục Quản lý đất đai thực hiện kiểm tra việc cập nhật cơ sở dữ liệu đất trồng lúa Quốc gia theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2014.