Cơn sốt đồ nội thất Trung Quốc đẩy gỗ trắc tới bờ tuyệt chủng

ThienNhien.Net – Gỗ trắc vùng Mê Kông đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng do nạn khai thác gỗ trái phép ngày một gia tăng nhằm đáp ứng nhu cầu đồ nội thất của Trung Quốc, kéo theo vấn nạn này là tình trạng gia tăng bạo lực và tham nhũng.

Đó là kết luận từ Báo cáo mới được công bố của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA): “Trên đường Tuyệt chủng: Tham nhũng và bạo lực đang hủy diệt gỗ trắc ở vùng Mê Kông”.

Báo cáo của EIA đã mô tả chi tiết về tình trạng kinh doanh gỗ trắc trong suốt thập niên vừa qua, bao gồm cả những năm loài gỗ này đã được liệt kê vào danh mục của Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động thực vật nguy cấp (CITES). Báo cáo cũng đồng thời phơi bày những tội ác, vấn nạn tham nhũng cũng như những bất cập trong chính sách của Trung Quốc và các nước khu vực Mê Kông có thể dẫn đến sự biến mất trong tương lai gần của loài gỗ quý này.

Theo báo cáo, hiện nay nguồn nguyên liệu nội địa của Trung Quốc không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng về đồ nội thất làm từ gỗ hồng sắc của tầng lớp người giàu nước này. Từ giữa năm 2000 – 2013, Trung Quốc đã nhập tổng cộng 3,5 triệu mét khối gỗ trắc, trong số đó gần nửa (trị giá khoảng 2,4 tỉ USD) có nguồn gốc từ khu vực Mê Kông.

Khai thác gỗ trắc (Ảnh: economicvoice.com)
Khai thác gỗ trắc (Ảnh: economicvoice.com)

Nhu cầu gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc đang khiến gỗ trắc ngày càng trở lên khan hiếm và đắt đỏ. Hậu quả là, tình trạng khai thác lậu gỗ trắc trở nên nóng bỏng không khác gì săn bắt động vật hoang dã trái phép.

Theo báo cáo, với những công cụ khai thác như máy cưa, súng và thậm chí cả súng phóng lựu phản lực, tình trạng bạo lực vũ trang đã xảy ra phổ biến ở các khu vực khai thác gỗ. Nghiêm trọng hơn, chất gây nghiện Methamphetamines đã được sử dụng như một hình thức thanh toán cho các lâm tặc, gây nên những hệ lụy xã hội đáng báo động.

Đối mặt với trạng gỗ trắc ngày càng khan hiếm, các đầu lậu gỗ đã chuyển hướng sang tìm kiếm những lâm sản thay thế đáp ứng với nhu cầu của ngành công nghiệp hồng mộc. Và trong số 33 loài lọt vào tầm ngắm của ngành công nghiệp này thì có tới 21 loài có ở châu Á.

Tình trạng nguy cấp của gỗ trắc đã được công nhận vào tháng 3/2013, khi Thái Lan và Việt Nam thành công trong việc đề xuất đưa gỗ trắc vào phụ lục II của CITES trong nỗ lực bảo vệ loài gỗ sắp biến mất này.

Trung Quốc cũng đã có những động thái để ngăn chặn tình trạng kinh doanh trái phép gỗ trắc nhưng những nỗ lực này được đánh giá là còn quá ít ỏi để có thể xoay chuyển tình hình.