Vì đâu “cát tặc” lộng hành ở Gia Lai?

ThienNhien.Net – Cùng với sông Ayun, tình trạng khai thác cát diễn ra tràn lan theo các sông suối lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tình trạng khai thác cát trái phép đang diễn ra tràn lan tại tỉnh Gia Lai. Dọc theo các sông suối, các loại máy công suất lớn hoạt động một cách công khai. Cát từ các sông làm giàu cho chủ khai thác và các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhưng ngân sách nhà nước thu được từ hoạt động này chỉ là một số không (0) tròn trĩnh.

Cũng vì hoạt động khai thác cát trái phép, không phép diễn ra tràn lan, các bờ sông suối đang bị sạt lở nghiêm trọng, làm tổn hại môi trường, sạt lở nhiều diện tích đất nông nghiệp.

Những công trường khai thác cát trái phép

Máy hút cát từ lòng sông (Ảnh: VOV)
Máy hút cát từ lòng sông (Ảnh: VOV)

Công trường khai thác cát trên sông Ayun đoạn chảy qua địa phận thôn Sô Ma Rơn, cách không xa quốc lộ 25, cách trụ sở UBND xã Ia Peng, huyện Phú Thiện chưa đầy 3km, nên không mấy ai nghĩ rằng đây là điểm khai thác cát trái phép.

Tại thời điểm phóng viên có mặt, 2 chiếc máy hút cát vẫn đang hoạt động, nhiều người vẫn đang xúc cát lên các xe tải, chuẩn bị chở đi. Thế nhưng, khi thấy phóng viên quay phim, chụp ảnh, những công nhân lập tức quay lưng rời bãi.

Theo người dân ở thôn Sô Ma Rơn, bãi cát này là của một người tên Hoàng Chỉ, hoạt động công khai, cung cấp cát cho nhiều cửa hàng vật liệu và các công trình xây dựng ở vùng đông Gia Lai. Một người dân địa phương cho biết: “Máy Đông Phong nó hút lên bờ, xong rồi xe đến chở đi, xe Kamaz, xe I-pha. Người ta cần cát là nó hút lên nó bán thôi.”

Dọc theo sông Ayun có 5 điểm khai thác cát trái phép cũng với quy mô lớn như trường hợp vừa nêu thuộc địa bàn các xã Ia Piar, Ia Peng, Ia Sol và thị trấn Phú Thiện của huyện Phú Thiện. Tại một số điểm, cát đã được hút sẵn lên bờ, xe vào chở tấp nập, một số điểm khác máy móc nằm sẵn ven sông chực chờ hoạt động.

Việc khai thác cát diễn ra một cách ngang nhiên. Thậm chí nhiều xe vào chở cát từ bãi khai thác không phép vẫn dán dòng chữ “Xe phục vụ thi công Quốc lộ 14”.

Hệ lụy khôn lường

Cùng với sông Ayun, tình trạng khai thác cát cũng diễn ra tràn lan dọc theo các sông suối lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai thuộc địa phận các huyện thị như Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Mang Yang, Đăk Đoa và Chư Păh. Việc khai thác cát tràn lan đã gây sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều diện tích nương rẫy hai bên bờ các sông suối.

Ông Nguyễn Cảnh Toàn, một người dân ở xã Đăk Tơ Ve, huyện Chư Păh cho biết: “Khai thác cát ở đây rất là ảnh hưởng, dòng suối thì càng ngày càng sạt lở nghiêm trọng từ Đăk Tơ Ve vào tận Hà Tây. Hiện tượng này rất nguy hiểm. Cách đây 10 năm, con suối này có chút xíu, giờ sạt lở đã rộng cỡ đó rồi”.

Dọc theo sông Ba cũng đã có rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi nhà cửa, đất sản xuất, cây trồng … của người dân. Nhiều ý kiến đổ lỗi cho thủy điện tích nước, xả lũ làm thay đổi dòng chảy. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, việc khai thác cũng là nguyên nhân quan trọng làm thay đổi dòng chảy của sông Ba.

250414_khaithaccat2
(Ảnh: VOV)

Việc hút cát vô tội vạ đã làm biến dạng bờ sông, thay đổi dòng chảy, dẫn đến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Điển hình là tại buôn H’Lang, nằm trong khu vực xung yếu về sạt lở của xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa. Người dân nơi đây đã mất đi rất nhiều đất đai sản xuất vì sạt lở bờ sông. Trong vài năm trở lại đây, sông Ba thay đổi dòng chảy liên tục khiến mức độ sạt lở bờ sông tăng chóng mặt. Nhiều điểm đã sạt lở hiện chỉ cách nhà dân chưa đầy 5m, đẩy 65 hộ trong buôn vào nguy cơ bị cuốn trôi, cần được khẩn trương di dời.

Già làng Nay Pher kiến nghị: “Đề nghị Nhà nước tạo điều kiện để có đất ở, đất sản xuất. Cũng nhiều lần đề nghị cấp thẩm quyền làm sao tạo điều kiện cho người dân ổn định. Bữa nay chưa mưa là không sao, khi mưa cũng sợ, mưa lớn là lụt, trôi.”

Chính quyền, ngành chức năng không thể kiểm soát?

Tình trạng khai thác cát trái phép đang diễn ra nhức nhối, gây tổn hại cả về kinh tế-xã hội và môi trường, nhưng điều lạ là chính quyền và ngành chức năng tỉnh Gia Lai lại chấp nhận thất bại trong việc kiểm soát tình hình.

Ông Lê Xuân Dũng – Phó Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Chư Păh viện lý do: “Các đối tượng khai thác thì tìm mọi cách để đối phó. Ví dụ vào thời điểm khuya 1-2 giờ sáng, hoặc là sáng sớm, thời điểm không phải giờ hành chính, hoặc thời điểm công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Việc khai thác người ta dùng phương tiện cơ động, khi nghe có động tĩnh thì rút ngay, mà nguyên tắc muốn xử lý thì phải bắt quả tang tại chỗ.”

250414_khaithaccat3
Còn ông Lương Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai thì thừa nhận: “Một thực tế là chính quyền địa phương không thể quán xuyến được toàn bộ việc khai thác trái phép. Vì không thể cử lực lượng ra mà canh giữ được nên dẫn đến vẫn còn tình trạng trên.”

Có rất nhiều lý do được chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý ở Gia Lai nêu ra, lý giải cho việc khó kiểm soát nạn khai thác cát ở địa phương. Nhưng sự thật mà phóng viên tìm hiểu được lại không như vậy. Do bất cập trong quản lý-cấp phép nên đã 3 năm nay, ngay cả các cơ sở khai thác cát có phép trước đây cũng không tiếp tục được cấp phép, khiến 100% các điểm khai thác cát trong toàn tỉnh đều là khai thác lậu. Thêm vào đó là những tiêu cực ngầm, khiến nạn khai thác lậu có cơ hội kéo dài…

Bài tiếp: 100% điểm khai thác đều trái phép