Ký kết hợp tác tăng trưởng xanh và sử dụng bền vững tài nguyên môi trường

ThienNhien.Net – Ngày 3/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quỹ Hanns-Seidel (HSF – Đức) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về tăng trưởng xanh và sử dụng bền vững tài nguyên môi trường giai đoạn 2014-2016.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta là một trong 5 nước dễ bị tổn thương nặng trước tác động của biến đổi khí hậu. Sự gia tăng nhiệt độ vào cuối thế kỷ 21 sẽ đem lại những nguy cơ lớn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, các cơn bão sẽ gia tăng cả về số lượng và cường độ, gây thiệt hại từ 1% đến 3 % GDP.

Theo tính toán, nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời, con số thiệt hại này sẽ tăng lên đến 10% GDP/năm. Do vậy, để chống lại biến đổi khí hậu, nhiệm vụ tập trung và ưu tiên của Việt Nam hiện nay là huy động nguồn lực để xây dựng những công trình ứng phó như đê biển, đê sông, hồ chứa nước, phục hồi rừng ngập mặn, trồng lại rừng để bảo vệ nguồn nước và phòng, chống lụt bão…

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, biển – hải đảo, viễn thám… Hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên và môi trường được hoàn thiện và liên tục cập nhật, đảm bảo việc quản lý Nhà nước gắn với tình hình thực tế; trong đó về lĩnh vực quản lý tài nguyên đất, Chính phủ vừa ban hành Luật Đất đai sửa đổi. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật, nhằm hoàn thiện các chính sách, pháp luật về đất đai.

Môi trường là một thách thức lớn của Việt Nam trên hành trình phát triển bền vững. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Trên thực tế, môi trường ở nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí. Trong khi đó, công tác quy hoạch, xử lý chất thải rắn tại các địa phương, công nghệ còn nhiều yếu kém. Tỷ lệ rừng, các hệ sinh thái, động thực vật đang suy giảm nhanh. Thực trạng này đòi hỏi sự vào cuộc của cả xã hội và cần sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.