Ô nhiễm không khí: Sát thủ thầm lặng

ThienNhien.Net – Một loạt cảnh báo về thực trạng ô nhiễm không khí trên toàn thế giới – vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra, tuy không mới, nhưng một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động.

Theo những nghiên cứu mới đây của WHO, ô nhiễm không khí do các nguồn từ đun nấu tới khí thải xe hơi đã trở thành thách thức lớn đối với môi trường sống của con người, khiến 7 triệu người chết trong năm 2012, trong đó, hơn 4 triệu người trên thế giới đã chết do ô nhiễm không khí có nguồn gốc từ hoạt động nấu nướng, đốt gỗ, than trong sinh hoạt gia đình. Số ca tử vong còn lại đều có liên quan đến khí thải từ động cơ diezel và đốt than trong công nghiệp. Điều đáng nói, nhiều người phải hứng chịu cả hai dạng ô nhiễm trên vì không có lựa chọn nào khác.

Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) là một trong những vùng bị ô nhiễm không khí nặng nề.
Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) là một trong những vùng bị ô nhiễm không khí nặng nề.

Những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất được WHO chỉ ra trong báo cáo là khu vực Đông Nam Á và Nam Á, nghiêm trọng nhất là Ấn Độ và Indonesia; khu vực Tây Thái Bình Dương, từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Nhật Bản và Philippines. Những khu vực này có tới 3,3 triệu người chết liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà và 2,6 triệu người chết do ô nhiễm ngoài trời. Không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, ô nhiễm không khí còn gây tổn thất không nhỏ cho nền kinh tế toàn cầu. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Trung Quốc công bố mới đây cho thấy, tử vong và bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí gây tổn thất cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ 100 đến 300 tỷ USD/năm.

Không chỉ nguy hại đến sức khỏe con người, mức độ ô nhiễm không khí tăng mạnh tại một số nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở Châu Á còn làm gia tăng cường độ của các cơn bão xuất hiện vào mùa đông ở khu vực Tây – Bắc Thái Bình Dương. Đây là kết luận từ nghiên cứu do nhóm của Giáo sư Yuan Wang, thuộc Viện Nghiên cứu công nghệ California (Mỹ) tiến hành được công bố mới đây. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn kinh tế Châu Á phát triển nhanh, cường độ của các cơn bão tăng lên mặc dù tần suất và địa điểm không thay đổi. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính là do không khí bị ô nhiễm bởi các hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, khí thải từ các nhà máy, xí nghiệp và các phương tiện vận tải. Hoạt động này tạo ra lượng muội lớn, rất có hại đối với môi trường. Lượng muội này tồn tại trong không khí đã tác động đến cơ chế ngưng tụ hơi nước trong các đám mây và sự phân bố nhiệt của các cơn bão.

Trước thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng trở nên nghiêm trọng, mỗi quốc gia đều có những giải pháp cụ thể cho riêng mình. Nhằm hạn chế sự ô nhiễm không khí và tắc nghẽn giao thông tại Pháp, từ ngày 17-3 vừa qua các phương tiện giao thông có động cơ tại nước này chỉ được phép hoạt động luân phiên theo biển số chẵn lẻ, ngoài ra phương tiện giao thông công cộng được miễn phí tại thủ đô Paris và nhiều khu vực khác trên nước Pháp. Còn tại Trung Quốc, báo cáo của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc tại Kỳ họp thứ hai khóa XII vừa qua cũng đã đề ra kế hoạch công tác lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước này năm 2014. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc sửa đổi một số luật, trong đó có Luật Phòng chống ô nhiễm không khí.

Thế nhưng thực tế cho thấy, những giải pháp riêng lẻ của mỗi quốc gia không thể giải quyết hiệu quả tình trạng ô nhiễm không khí toàn cầu hiện nay. Điều đó đòi hỏi một giải pháp tổng thể mang tính chiến lược, với sự hợp tác của tất cả các quốc gia cũng như ý thức của mỗi người dân nhằm bảo vệ môi trường sống của chính mình.