Cam go bảo vệ rừng Đồng bằng sông Cửu Long – Bài cuối

Bảo vệ rừng gắn với sinh kế của dân

ThienNhien.Net – Trong khi tình hình khô hạn khiến hàng ngàn ha rừng có nguy cơ cháy cao thì vẫn còn nhiều hoạt động mưu sinh của người dân vi phạm quy định quản lý bảo vệ rừng. Đây là khó khăn rất lớn của công tác phòng chống cháy rừng tại các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ý thức người dân chưa cao

Theo các đơn vị quản lý bảo vệ rừng tại các tỉnh ĐBSCL, hàng năm, khi bước vào mùa khô, cơ quan chức năng đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng cho cộng đồng dân cư ở những nơi có rừng. Nhiều địa phương còn xây dựng những quy ước, hương ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư do người dân và chính quyền địa phương ký cam kết. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân thiếu ý thức về phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng tỉnh Hậu Giang, khu vực rừng trồng phân tán của các hộ gia đình lên đến 517 ha, tuy nhiên phần lớn khu vực rừng này lại không có kênh mương trữ nước vào mùa khô. Mặc dù rừng là tài sản của các hộ dân nhưng vẫn chưa chú trọng về chăm sóc, vệ sinh rừng, thu gom thực bì dưới chân rừng. Những người dân này cho rằng, họ không có đủ điều kiện về nhân sự, tài chính để thực hiện công tác phòng ngừa.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn sinh sống, canh tác trong rừng, ven rừng, tình trạng lấn chiếm đất rừng chưa được giải quyết triệt để nên đã gây khó khăn cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hàng năm. Đơn cử, như khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang hiện có 840 hộ dân sống trong và ven rừng, trong đó có 120 hộ sống trong khu bảo vệ nghiêm ngặt chưa được di dời. Ban quản lý khu bảo tồn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thận trọng trong sinh hoạt, canh tác để tránh nguy cơ cháy rừng.

Tuy các chủ rừng nghiêm cấm người dân vào rừng trái phép nhưng thực trạng này vẫn diễn ra (Ảnh chụp tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang: Anh Đức/Báo Tin Tức)
Tuy các chủ rừng nghiêm cấm người dân vào rừng trái phép nhưng thực trạng này vẫn diễn ra (Ảnh chụp tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang: Anh Đức/Báo Tin Tức)

Ngoài ra, tại nhiều cánh rừng ở vùng ĐBSCL, nguyên nhân cháy do một số hộ dân sống ven rừng chưa ý thức được tác hại của nạn cháy rừng nên tự tiện đốt rẫy, dọn vườn và đốt đồng bừa bãi. Mặc dù cơ quan kiểm lâm, chính quyền địa phương ở các tỉnh đã yêu cầu người dân khi tiến hành đốt đồng, rẫy phải báo cáo trước cơ quan chức năng điều động lực lượng tổ chức giám sát, ứng trực để đảm bảo an toàn. Đơn cử, mùa khô năm 2013, huyện đảo Phú Quốc đã xảy ra 19 vụ cháy rừng với tổng diện tích hơn 91 ha đồng cỏ xen lẫn tràm nước tái sinh thưa và keo lá tràm xuất phát từ nguyên nhân trên.

Bên cạnh đó, việc xâm nhập rừng trái phép, khai thác thủy sản, săn bắt động vật hoang dã, đốt ong lấy mật… tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng. Tại vườn quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc vườn cho biết: “Dù lực lượng chức năng liên tục tuần tra, kiểm soát nhưng tình trạng xâm hại rừng vẫn tiếp tục xảy ra. Vấn đề này không chỉ tác động tiêu cực đến bảo tồn và phát triển sinh vật mà còn tăng nguy cơ cháy rừng trong mùa khô”.

Theo báo cáo của vườn quốc gia U Minh Thượng, trong tháng những tháng đầu năm, lực lượng quản lý bảo vệ rừng đã tổ chức gần 90 cuộc tuần tra kiểm soát các đối tượng vi phạm vào rừng trái phép đã phát hiện 5 vụ với 8 đối tượng vào rừng để săn bắt động vật và thủy sản. Trong năm 2013, lực lượng chức năng đã phát hiện 67 vụ với 96 đối tượng.

Gắn lợi ích người dân

Ông Cường cho biết thêm, để làm tốt công tác bảo vệ rừng, trong đó có đảm bảo an toàn phòng chống cháy rừng thì vườn quốc gia U Minh Thượng đã chủ động phối hợp với các ngành, các xã trong vùng đệm mở nhiều đợt tuyên truyền giáo dục nhân dân để nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, tài nguyên rừng, phổ biến những quy định quản lý, phòng cháy chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải thường xuyên tổ chức phối hợp tuần tra kiểm soát, triệt phá các đối tượng vi phạm chuyên nghiệp, có tổ chức. “Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là có giải pháp để người dân sinh sống xung quanh các khu vườn quốc gia có thể tăng thu nhập bằng việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường”, ông Cường nói.

Hiện nay, vườn quốc gia U Minh Thượng đang xây dựng dự án phát triển du lịch sinh thái và giáo dục môi trường. Qua dự án này, vườn sẽ khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng gắn với việc đầu tư cơ sở hạ tầng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái và hướng nghiệp, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Vườn quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau cũng đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ rừng gắn với việc ổn định đời sống cho các hộ dân sinh sống xung quanh vườn. Để giảm tác động xấu đến vườn và thực hiện chủ trương xã hội hóa bảo vệ rừng, thời gian qua vườn đã làm thí điểm trên 10 hộ tại ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Minh Thời trồng chuối, hoa màu trên đất của vườn với mục đích giúp cho họ có đất sản xuất và cùng tham gia với vườn làm công tác bảo vệ rừng. Sắp tới sẽ triển khai dự án hỗ trợ vốn để phát triển đời sống cho 30 hộ có đất. Bên cạnh đó, hơn 1 năm qua, vườn triển khai dự án sinh kế cộng đồng với 3 tổ chuyên làm nghề khai thác ong rừng.

Đến nay đã có 57 hộ tham gia gác kèo ong hoạt động hiệu quả trên lâm phần ấp Vồ Dơi. “Gắn việc tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng với việc tạo điều kiện cho người dân khai thác và phát huy tiềm năng rừng mang lại là điều kiện quan trọng để giải bài toán bảo vệ rừng hiện nay. Thời gian này, các hộ dân đang hỗ trợ vườn thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát phòng chống cháy rừng từ 7 giờ đến 12 giờ. Thời gian còn lại sẽ giao cho lực lượng của vườn. Điều này cũng giúp vườn giảm bớt kinh phí thuê mướn lao động bảo vệ rừng trong mùa khô”, ông Nguyễn Tấn Truyền, Phó phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế cho biết.