Có thể “gói lại” năng lượng mặt trời

ThienNhien.Net – Nhân dịp đến Việt Nam tham dự sự kiện Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 tại Bình Định (28/07 – 17/08), giáo sư Jack Steinberger, đồng chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 1988, bày tỏ mối lo ngại sâu sắc của ông về tài nguyên cạn kiệt trong tương lai.

Thưa ông, tôi có nghe ông vẫn còn cảm giác hối tiếc về chiến tranh trong quá khứ?

Đến giờ tôi vẫn chưa nguôi cảm giác đó…

Giáo sư Jack Steinberger đang trao đổi với giáo sư Sheldon Lee Glashow (giải Nobel Vật lý 1979)
Giáo sư Jack Steinberger đang trao đổi với giáo sư Sheldon Lee Glashow (giải Nobel Vật lý 1979)

Tôi đã đến Việt Nam hồi năm 1993, theo lời mời của vợ chồng ông Trần Thanh Vân và bà Lê Kim Ngọc, những người tôi rất kính trọng. Những việc họ làm trong lĩnh vực vật lý, việc tổ chức các cuộc gặp gỡ, hội thảo, giúp ích rất nhiều cho công tác nghiên cứu của chúng tôi. Tôi cũng rất quan tâm đến cuộc gặp gỡ, hội thảo để trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Ông Vân đã tổ chức để chúng tôi đến, cố gắng giúp đỡ đất nước của ông. Hồi năm 1993 có hoạt động giúp đỡ trẻ mồ côi, và tôi cũng đóng góp vào việc đó, bởi ông ấy là bạn tôi. Tôi đến Việt Nam lần này để tiếp tục hỗ trợ ông bà Vân.

Với sự kiện khánh thành trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành hôm 12.8, ông trông đợi giới nghiên cứu trẻ làm điều gì?

Tôi không thể nói các bạn trẻ nên làm gì, chúng ta ở hai thế giới khác nhau, so với thế giới khi tôi còn trẻ là thời kỳ chiến tranh. Tôi bị thuyết phục rằng những gì chúng tôi làm trong lĩnh vực vật lý, ít nhất trong lĩnh vực của tôi, không giúp giải quyết những vấn đề cơ bản mà giới trẻ phải đối diện.

Thế hệ chúng tôi phải nghiên cứu để tận dụng triệt để các nguồn tài nguyên hoá thạch như dầu, gas và than. Chúng ta đang sử dụng rất nhiều, đặc biệt là cho giao thông, như máy bay chẳng hạn. Khi các nguồn tài nguyên này cạn kiệt, sẽ mất hàng tỉ năm để tích luỹ lại.

Chúng ta có thể sử dụng năng lượng gió và mặt trời, thưa ông?

Một số người làm ra vẻ như chúng ta có thể dùng năng lượng gió ở mức độ nào đó. Thế nhưng gió chỉ thổi trong khoảng thời gian nhất định, turbin chỉ thực sự hoạt động khoảng 30% tổng thời gian. Còn năng lượng mặt trời? Tấm quang điện (photovoltaic) lại không hoạt động vào ban đêm.

Kiểu gì thì đến một lúc nào đó, nhiên liệu hoá thạch cũng cạn kiệt. Vậy tốt hơn là chúng ta nên làm cái gì đó lúc này, thế nhưng chúng ta lại không làm.

– Vậy là không có giải pháp?

Có một cách là chúng ta có thể dự trữ năng lượng mặt trời, chuyển thành dạng lỏng.

– Nghe rất thú vị, cụ thể thế nào thưa ông?

Ở sa mạc phía Bắc châu Phi, mặt trời chiếu sáng cách quãng đều nhau, chúng ta có thể xây dựng nhà máy trữ năng lượng mặt trời. Điểm đặc biệt của nhà máy này là năng lượng sẽ được lưu trữ bằng một turbin hoạt động được cả ngày lẫn đêm.

Vấn đề là chúng ta cần công nghệ để chuyển năng lượng mặt trời sang dạng lỏng. Công nghệ này không hề đơn giản nhưng chúng ta có thể nghiên cứu được, chúng ta có thể biết làm thế nào để thành công. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu về công nghệ này vẫn chưa được quan tâm hiện nay.

Chắc hẳn công nghệ cần chi phí lớn?

Thực ra chi phí này chỉ nhiều hơn một chút so với việc sản xuất điện từ than và khí.

Như vậy dự án nghe có vẻ khả thi?

Tôi nghĩ châu Âu hoàn toàn có thể làm thử nghiệm điều này. Họ nên lắp đặt một dự án tại Bắc Phi để nghiên cứu công nghệ phù hợp. Sau đó chuyển năng lượng ở dạng lỏng về châu Âu.

Tại sao chưa làm thưa ông?

Ôi tôi ước mình có thể trả lời câu hỏi này (cười). Theo tôi, chưa làm là sai lầm.

– Còn về vật chất tối thì sao? Ông từng chia sẻ vẫn “day dứt” vì chưa tìm ra nó là gì?

Vật chất tối (dark matter) chiếm đến 85% trong vũ trụ. Vậy nên hiểu được vật chất tối là mối quan tâm của tất cả những ai muốn biết điều gì đang xảy ra trong vũ trụ của chúng ta. Dù chưa tìm ra nó là gì nhưng tôi không đơn độc. Vấn đề này rất phức tạp, và năng lượng tối (dark energy) còn phức tạp hơn rất nhiều, trong khi không ai có chứng cứ quan sát được. Vì thế nên tôi “tránh xa”năng lượng tối.

Tôi cũng cao tuổi rồi và tôi muốn vũ trụ càng đơn giản càng tốt! Tôi không thể nói tương lai sẽ thế nào nhưng hy vọng tôi vẫn có thể kịp biết về vật chất tối.

Giáo sư Jack Steinberger là người Mỹ gốc Do Thái, sinh năm 1921 tại Bad Kissingen (Franconia, Đức). Ông cùng các đồng nghiệp Leon M. Lederman và Melvin Schwartz giành giải Nobel Vật lý năm 1988 cho công trình phương pháp chùm neutrino và chứng minh về cấu trúc bộ đôi (doublet) của các lepton thông qua phát minh “neutrino muon”.