Nghịch lý trong quản lý môi trường ở Trung Quốc và Việt Nam

ThienNhien.Net – Dù Luật Bảo vệ môi trường được quy định khá đầy đủ và chặt chẽ nhưng tình hình thực thi lại thiếu nhất quán, bất cập, gây nên nhiều hệ lụy. Đó là nhận xét chung của ông Jake Brunner, Điều phối viên Chương trình Mê Kông của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về tình trạng quản lý môi trường và Việt Nam. Xin được giới thiệu quan điểm của ông Jake Brunner, người đã có thời gian sống và làm việc tại Việt Nam, trong bài viết ngắn dưới đây của ông.

Tạp chí Financial Time mới đây đã đăng bài: Con đường đi đến cải cách, trong đó câu đầu tiên trong bài có đề cập “Những người dân Trung Quốc đang phải chịu tình trạng ô nhiễm không khí ở miền bắc nước này. Điều này khiến mọi người có thể ngạc nhiên khi biết Trung Quốc là một trong số những nước có luật môi trường và những quy định về phát thải khắt khe nhất thế giới”.

Tình huống này cũng khá quen thuộc với những người dân đang sinh sống ở Việt Nam. Hàng năm, chính phủ Việt Nam ban hành hàng loạt các chính sách và quy định về môi trường nhưng rõ ràng các quy định này ít phát huy tác dụng trên thực tế.

Một con sông bị ô nhiễm thuộc Yên Châu, Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh: Businessinsider.com)
Một con sông bị ô nhiễm thuộc Yên Châu, Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh: Businessinsider.com)

Trong khi luật pháp quy định khá đầy đủ, báo chí và các chương trình truyền hình của Việt Nam thường xuyên phản ánh về các làng ung thư quanh các khu vực khai mỏ và nhà máy xi măng, tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp trong các khu bảo tồn, các đập thủy điện đe dọa cuộc sống của người dân vùng hạ du, thực trạng khai thác cát trái phép dẫn đến sạt lở bờ sông… và hàng loạt các vấn đề môi trường đáng lo ngại khác.

Tại sao lại tồn tại nghịch lý đó? Tại sao môi trường vẫn tiếp tục suy thoái giữa một rừng chính sách? Theo những lý giải của bài báo đăng trên Financial Time về tình trạng ở Trung Quốc thì lý do nằm chính ở chính sách ưu tiên, khuyến khích của chính phủ.

Chính định hướng ưu tiên tăng trưởng từ cấp trung ương ảnh hưởng đến tình hình thực thi của bộ máy chính quyền cấp dưới. Nói một cách đơn giản, những quyết sách, những tuyên bố vì môi trường từ trung ương sẽ trở nên thiếu hợp lý nếu như thành tích (trong đó chủ yếu là thành tích về kinh tế) vẫn được coi làm căn cứ để đánh giá hiệu quả công tác của quan chức địa phương.

Như tình trạng được phản ánh ở Trung Quốc thì “Chính phủ muốn phía địa phương phải có nhiều đổi mới hơn, tiêu thụ nhiều hơn và đầu tư ít hơn nhưng trong bản đánh giá cán bộ thường niên khoảng 70% điểm đánh giá dựa vào tăng trưởng GDP và không đề cập đến những bê bối, bất ổn trong phạm vi trách nhiệm. Trong khi đó, những ưu tiên của chính phủ hầu như không có điểm cộng nào cho bảo vệ môi trường bởi vì tiêu chí này rất khó đo lường.”

“Trừ khi có sự thay đổi trong tiêu chí đánh giá từ cấp trung ương nếu không sẽ không bao giờ có được những chuyển biến thực sự. Nhưng tôi khá bi quan vì những người đứng đầu tỏ rõ quan điểm rằng họ ưu tiên tăng trưởng GDP” – Ông Guo Weiqing, Giáo sư Đại học Quốc gia Yat-sen nói.”

Cũng theo bài báo, nếu như không có sự cải cách trong cơ chế đánh giá thì các chính sách môi trường sẽ không được thực thi một cách hiệu quả. Đây là một thực tế đang tồn tại ở Trung Quốc và cũng phần nào phản ánh tình hình quản lý môi trường ở Việt Nam.

Tất cả những gì giới chức địa phương thực thi là nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Chính vì thế các địa phương thường cạnh tranh để đạt được những mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với cái giá phải trả về môi trường.