Đề xuất xóa 13 cụm công nghiệp “treo”

ThienNhien.Net – Hiện nay, nhiều huyện và TX.Long Khánh (Đồng Nai) đang đề xuất tỉnh xóa bỏ các cụm công nghiệp, trả lại các quyền lợi cho người dân trên những vùng đất bị quy hoạch. Những cụm công nghiệp này đã “treo” nhiều năm và khả năng triển khai rất thấp.

Hiện, 7 huyện, thị xã đang đề xuất UBND tỉnh rút quy hoạch của 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 619 hécta. Các cụm công nghiệp này đa số đã được quy hoạch từ 6-8 năm nay.

Dân mừng vì xóa quy hoạch

Đứng đầu trong danh sách xin rút quy hoạch hàng loạt cụm công nghiệp là 2 huyện Long Thành, Tân Phú, tiếp đến là Thống Nhất và Cẩm Mỹ. Sau nhiều năm không kêu gọi được chủ đầu tư và xét theo quy hoạch sử dụng đất mới không còn phù hợp, các địa phương trên đồng loạt xin tỉnh xóa quy hoạch.

Cụm công nghiệp gốm Tân Hạnh (TP. Biên Hòa) là một trong 27 cụm công nghiệp được giữ lại (Ảnh: Báo Đồng Nai)
Cụm công nghiệp gốm Tân Hạnh (TP. Biên Hòa) là một trong 27 cụm công nghiệp được giữ lại (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Về phía người dân, việc xóa quy hoạch sau nhiều năm “treo” khiến họ vui mừng. Bà Nguyễn Thị Hưng, ấp Long Khánh 3, xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Cả gia đình tôi đều rất vui khi nghe được thông tin sẽ xóa quy hoạch Cụm công nghiệp Tam Phước 1. Như vậy từ nay gia đình tôi có thể yên tâm sinh sống, không còn thấp thỏm lo âu bị dời đi nơi khác”. Bà Hưng còn kể thêm, bà có 6 người con, đều được chia đất cho sống xung quanh, song chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của từng thửa vì vướng quy hoạch. Nếu xóa quy hoạch “treo”, coi như gia đình bà trút được gánh nặng về nỗi lo phân tán.

“Người dân chúng tôi sợ nhất là đất rơi vào quy hoạch. Vì đã bị quy hoạch là không thể đầu tư phát triển kinh tế, chưa kể dự án treo từ năm này qua năm khác, khổ đủ đường” – ông Trần Văn Hương ở ấp Long Khánh 3, xã Tam Phước, nói. Các hộ dân nằm trong những dự án cụm công nghiệp khác đang bị “treo” cũng có chung tâm trạng.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tam Phước, cho hay: “Cụm công nghiệp Tam Phước 1 được quy hoạch từ ngày 13-5-2007 với diện tích 57 hécta. Nhưng sau gần 7 năm kêu gọi vẫn chưa có chủ đầu tư, do đó đề xuất xóa quy hoạch là đúng, để dân có thể xây dựng nhà ở, thế chấp vay vốn hoặc chuyển nhượng”. Ông Phú cho biết, xã đang đợi văn bản của tỉnh để công bố rộng rãi.

Khó kêu gọi đầu tư

Hầu hết các địa phương đều cho hay, nhiều cụm công nghiệp quy hoạch xong, kêu gọi đầu tư từ năm này qua năm khác mà không có doanh nghiệp nào chú ý. “Huyện Tân Phú đề xuất tỉnh bỏ 3 cụm công nghiệp ở các xã: Phú Trung, Phú Lập, Phú Lộc. Vì các cụm công nghiệp này nằm ở vùng sâu không kêu gọi được đầu tư, cần xóa bỏ để người dân có thể yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập” – Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Ngô Sỹ Bảng nói.

Theo Nghị quyết 69/NQ-CP ngày 30-10-2012 của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Đồng Nai được phê duyệt 1.799 hécta đất cụm công nghiệp. Sau khi rà soát, các địa phương đề xuất chỉ giữ lại 27 cụm công nghiệp với diện tích gần 1.450 hécta. Còn lại rút khỏi quy hoạch 13 cụm công nghiệp với diện tích gần 619 hécta. Trong những cụm công nghiệp được giữ lại chỉ có 2 cụm hoàn thành đầu tư hạ tầng là Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) và Cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Hố Nai 3, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom).

Ông Ngô Thế Ân, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, khẳng định: “Long Thành chỉ cần giữ lại 3 cụm công nghiệp là đủ, do đó huyện đề xuất tỉnh rút quy hoạch 3 cụm công nghiệp ở các xã: Bình Sơn, Long Phước và Bình An. Thực tế là ngay cả những cụm công nghiệp được giữ lại đến nay vẫn chưa kêu gọi được chủ đầu tư”.

Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Huỳnh Thành Vinh nhận xét: “Nhiều năm nay huyện Thống Nhất kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp nhưng không được. Do đó, đợt này huyện xin xóa quy hoạch Cụm công nghiệp Gia Kiệm và Gia Tân, chỉ giữ lại Cụm công nghiệp Hưng Lộc. Huyện đang đề xuất tỉnh nhanh chóng ban hành quyết định bỏ quy hoạch để công bố cho người dân có nhà đất trong vùng trên yên tâm đầu tư phát triển sản xuất”.