Nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại

ThienNhien.Net – Ngày 27/2, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) tổ chức hội thảo tập huấn xây dựng chiến lược truyền thông về ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại. Tham dự có đại diện Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, đại diện các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ và đơn vị truyền thông….

Phát biểu khai mạc, bà Huỳnh Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho biết, ở Việt Nam, sinh vật ngoại lai xâm hại xâm nhập bằng nhiều con đường khác nhau như: Nhập khẩu có chủ đích phục vụ công tác nuôi, trồng, sản xuất, kinh doanh hay du nhập theo con đường tự nhiên và không chủ đích của con người. Bên cạnh đó, bài học về nhân nuôi, phát triển ốc bươu vàng tại các tỉnh, thành phố là bài học đắt giá trong việc quản lý, phòng ngừa các loài ngoại lai xâm hại.

Trước sự đe dọa của các loài ngoại lai xâm hại, Việt Nam cũng đang từng bước nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý, hệ thống văn bản pháp luật và tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức tới các cấp, các ngành và cộng đồng trong công tác ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại.

Tại hội thảo, các học viên đã được nghe bà Jamie Reaser, chuyên gia truyền thông quốc tế trình bày tổng quan về Chiến lược truyền thông và Chiến lược thúc đẩy thay đổi hành vi của nhóm đối tượng truyền thông về công tác ngăn ngừa và phòng chống sự xâm hại của sinh vật ngoại lai.

Hội thảo đã cung cấp thông tin, các bài thực hành và công cụ hỗ trợ cho học viên với mục đích thay đổi hành vi của các nhóm đối tượng cần truyền thông, đồng thời hướng dẫn xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia về ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại. Bên cạnh đó giúp học viên tiếp cận hữu ích trong truyền thông, từ đó nâng cao nhận thức về quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam.

Hiện Việt Nam là một trong bốn nước nằm trong Dự án khu vực Ngăn ngừa và quản lý sinh vật rừng ngoại lai xâm hại ở rừng sản xuất và rừng được bảo vệ khu vực Đông Nam Á. Bốn nước là thành viên của dự án gồm Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Philippines.