Bốn nhà máy thép để bụi lò tràn lan

ThienNhien.Net – Bụi lò có độc tính cao, vượt ngưỡng chất thải nguy hại nhưng các nhà máy lại để phát tán ra môi trường.

“Chậm nhất đến ngày 1/5/2014 các công ty phải chuyển giao bụi lò (còn gọi là bụi thép) cho các đơn vị có chức năng xử lý”. Đây là yêu cầu chung của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) trong bốn kết luận thanh tra vừa gửi cho bốn nhà thép tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trong loạt bài “Chất thải độc hại ngành thép đi đâu?”, tại Bà Rịa-Vũng Tàu hàng loạt nhà máy thép đã bỏ hàng ngàn tấn chất thải nguy hại ngoài trời. Chất thải này theo nước mưa và gió phát tán ra môi trường, đe dọa sức khỏe người dân…

Theo kết luận thanh tra, trong quá trình hoạt động, các đơn vị gồm: Nhà máy luyện phôi thép – Chi nhánh Công ty Cổ phần Thép Pomina; Công ty Thép miền Nam – Chi nhánh Tổng Công ty Thép Việt Nam; Công ty Cổ phần Thép Pomina 2 và Công ty TNHH Thép FuCo đã có nhiều vi phạm về bảo vệ môi trường. Điển hình là bụi lò phát sinh từ các nhà máy này để tồn đọng quá nhiều, chưa có phương án xử lý triệt để.

Xỉ thép, bụi lò để tràn lan ngoài trời ở một nhà máy thép (Ảnh: KB/Pháp luật TP.HCM)
Xỉ thép, bụi lò để tràn lan ngoài trời ở một nhà máy thép (Ảnh: KB/Pháp luật TP.HCM)

120214_buitranlo

Kết quả phân tích mẫu bụi lò tại bốn nhà máy cho thấy các hàm lượng Zn (kẽm), Pb (chì), As (asen)… đều vượt ngưỡng chất thải nguy hại. “Theo phân định của quy chuẩn Việt Nam, bụi lò là chất thải nguy hại, có độc tính cao” – kết luận thanh tra nêu rõ. Thế nhưng tại thời điểm kiểm tra (tháng 10-2013), đoàn thanh tra ghi nhận tại các nhà máy thép có hàng đống bụi lò để ngoài trời. Có nơi nhiều bao đựng bụi lò mục rách, chất thải bị nước mưa cuốn trôi vào hệ thống thoát nước… Đơn cử, Công ty Cổ phần Thép Pomina 2 tồn trữ trên 3.000 tấn bụi lò nhưng một nửa để ngoài trời, một số bao đựng bụi lò bị mục rách, chất thải phát tán ra môi trường. Ngoài ra, xỉ thép phát sinh hàng chục ngàn tấn cũng được các công ty lưu chứa ngoài trời, không đảm bảo quy định.

Về tạp chất đi cùng phế liệu nhập khẩu, Thanh tra Tổng cục Môi trường cũng phát hiện nhiều vi phạm liên quan vụ mua bán, xử lý loại chất thải này. Cụ thể, vào thời điểm thanh tra, Công ty Thép miền Nam báo cáo chỉ chuyển giao hơn 1.000 tấn tạp chất rời ra từ phế liệu nhập khẩu cho Công ty TNHH TMDV Tiên Đồng để vận chuyển đến Công ty TNHH KBEC VINA xử lý. Tuy nhiên, theo xác minh của đoàn thanh tra, Công ty Thép miền Nam đã chuyển giao hơn 2.200 tấn tạp chất cho Công ty Tiên Đồng và giao hơn 3.000 tấn cho Công ty TNHH DVVS Công nghiệp Đại Thành Nam. Trong khi đó, số tạp chất được đưa về Công ty KBEC để xử lý chỉ hơn 101 tấn, còn lại hơn 5.000 tấn không rõ xử lý bằng phương pháp nào… Tương tự, Công ty Cổ phần Thép Pomina 2 cũng báo báo chuyển giao hết tạp chất để đưa đi xử lý nhưng trên thực tế lại bán cho các đơn vị không có chức năng xử lý tạp chất.

“Các nhà máy thép phải tiến hành thu gom và chuyển giao xỉ thép, bụi lò cho các đơn vị có chức năng xử lý theo đúng quy định. Về tạp chất đi cùng phế liệu nhập khẩu, các nhà máy thép cũng phải tự xử lý hoặc chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý. Tổng cục Môi trường sẽ ban hành các quyết định xử phạt đối với các nhà máy thép vi phạm” – kết luận thanh tra nêu.

Theo Tổng cục Môi trường, trước đây một số nhà máy thép chuyển giao bụi lò Công ty TNHH Khai thác, Chế biến, Xuất nhập khẩu Khoáng sản Việt Nam để đưa về tỉnh Hải Dương xử lý. Thế nhưng hiện nay nhà máy xử lý này đang bị đình chỉ hoạt động do gây ô nhiễm môi trường.

Hiện Tổng cục Môi trường đã cho phép các doanh nghiệp tái chế bụi lò ở Thái Nguyên được phép thu gom, xử lý bụi lò cho các nhà máy thép ở Bà Rịa-Vũng Tàu.