Ấp Đất Biển đối mặt với tình trạng nước biển dâng và sạt lở đất

ThienNhien.Net – Hàng chục hộ dân ở ấp Đất Biển, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đang sống trong tâm trạng lo âu bởi hàng ngày phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng cao và sạt lở đất nghiêm trọng ở Vàm Rạch Miểu – một nhánh cửa biển nhỏ thông ra biển Tây.

Nhìn căn nhà xiêu vẹo của mình lúc nào cũng có thể bị sóng biển “nuốt chửng”, ông Nguyễn Văn Đua than thở: Những năm trước đây chưa từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng như vậy.

Ảnh minh họa: VietnamPlus
Ảnh minh họa: VietnamPlus

Từ đầu năm đến nay, khu vực trên thường xảy ra sóng to, gió lớn và nước biển thường dâng cao gây sạt lở bờ biển đến 4-5m. Nhiều nhà dân đã bị nhấn chìm xuống biển. Tài sản, tính mạng của gần 50 người dân luôn bị đe dọa. Trước đây có 32 hộ dân đến khai phá đất rừng phòng hộ ngoài tuyến đê để ở và mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản ven bờ. Hiện nay, chỉ còn 14 hộ dân bám trụ ở rừng phòng hộ, hầu hết các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất.

Ông Võ Minh Trung-một trong những người dân đã cư ngụ 15 năm ở Vàm Rạch Miểu bức xúc: Nhiều nhà dân bị lốc xoáy làm sập và bị sạt lở chìm xuống biển nhưng chưa được chính quyền quan tâm giúp đỡ. Ông Trung cho biết, 14 hộ dân ở Vàm Rạch Miểu đã làm đơn yêu cầu UBND xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau xem xét di dời bà con đến nơi khác nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề này, ông Duy Quốc Tuấn-Chủ tịch xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết: Sự biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao, gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của các hộ dân cư ngụ ngoài đê. Trước tình hình này, UBND xã chỉ đạo ấp Đất Biển tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ dân có nhu cầu di dời. Bước đầu có 21 hộ dân ở ấp Đất Biển tự nguyện viết đơn yêu cầu chính quyền địa phương xem xét di dời về nơi ở mới.

Tuy nhiên, xã còn phải tiếp tục trình lên huyện và khi nào được chấp thuận thì mới triển khai thực hiện. Khó khăn lớn là muốn di dời dân thì phải quy hoạch quỹ đất và có vốn đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, nhưng tất cả đều phải trông chờ quyết định của huyện và tỉnh.