EVN muốn giữ lại hai nhà máy Bản Chát và Huội Quảng

ThienNhien.Net – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất với Bộ Công thương cho giữ lại hai nhà máy thủy điện là Bản Chát và Huội Quảng, thay vì chuyển về Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) như quyết định tái cơ cấu hồi đầu năm.

Trong một nhận xét gửi tới cơ quan hữu trách, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, việc EVN muốn giữ lại hai nhà máy thủy điện Huội Quảng (520 MW) và Bản Chát (220 MW) thay vì chuyển về Genco 3 là bởi mối liên quan của hai nhà máy thủy điện này với Nhà máy Thủy điện Sơn La và Hòa Bình trong việc điều tiết hoạt động các hồ thủy điện trên cùng một lưu vực sông chính.

Hiệu quả đầu tư tại hai dự án Huội Quảng và Bản Chát phải gắn với sản lượng điện gia tăng cho thủy điện Sơn La và Hòa Bình
Hiệu quả đầu tư tại hai dự án Huội Quảng và Bản Chát phải gắn với
sản lượng điện gia tăng cho thủy điện Sơn La và Hòa Bình

Theo thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, Thủy điện Bản Chát có hồ chứa với dung tích lớn, trên 2,1 tỷ m3, trong đó dung tích hữu ích là 1,7 tỷ m3.

Đây cũng là hồ chứa bậc thang phía trên của Nhà máy Thủy điện Sơn La và Hòa Bình. Khi Thủy điện Bản Chát đi vào hoạt động, sản lượng điện hàng năm của Thủy điện Sơn La và Hòa Bình sẽ tăng thêm khoảng 388 triệu kWh; đồng thời tăng thêm khoảng 185 triệu kWh cho Dự án Thủy điện Huội Quảng sau khi đi vào vận hành.

Điều này có nghĩa Thủy điện Bản Chát sẽ tham gia điều tiết cho các công trình thủy điện đa mục tiêu phía dưới là Sơn La và Hòa Bình hiện đang thuộc EVN quản lý.

Trên thực tế, vào tháng 3/2013, EVN đã chủ đạo vận hành xả nước qua tràn ở hồ thủy điện Bản Chát để bổ sung 405 triệu m3 nước cho thủy điện Sơn La và Hòa Bình.

Vì vậy, việc Nhà máy Thủy điện Bản Chát và Huội Quảng không còn nằm trong EVN, mà thuộc quyền quản lý của Genco 3, thì sau này, việc Genco 3 sẽ tiến hành cổ phần hóa (như định hướng của Chính phủ) có thể ảnh hưởng đến việc điều tiết nước cho hai công trình thủy điện đa mục tiêu là Sơn La và Hòa Bình.

Mặt khác, hiệu quả đầu tư tại hai dự án Huội Quảng và Bản Chát phải gắn với sản lượng điện gia tăng cho thủy điện Sơn La và Hòa Bình với con số 388 triệu kWh điện mỗi năm. Nếu tính toán riêng biệt, thì giá thành của hai dự án thủy điện này rất cao.

Một vướng mắc khác mà EVN cũng đang gặp phải trong quá trình tái cơ cấu, tách hai dự án thủy điện Huội Quảng và Bản Chát về Genco 3 chính là sự không đồng tình của các bên cho vay.

Hiện các tổ chức nước ngoài cho vay vốn là AFD và China Eximbank không đồng ý chuyển giao chủ thế hợp đồng vay vốn từ EVN sang Genco 3 với hai dự án này.

Bởi vậy, EVN cũng đã chính thức đề nghị Bộ Công thương cho được giữ lại hai nhà máy thủy điện này, thay vì chuyển về Genco 3 như kế hoạch tái cơ cấu.