Tham vọng năng lượng của Trung Quốc

ThienNhien.Net – Cuối năm 2016, Chính phủ Trung Quốc đã công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (FYP13) để phát triển năng lượng điện.

Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào ăng lượng tái tạo.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2001, Trung Quốc ban hành một FYP đặc biệt về ngành điện và thể hiện sự ưu tiên của chính phủ trong việc điều chỉnh những thay đổi sâu rộng đối với ngành năng lượng điện. Mục đích của Trung Quốc là bảo đảm các cam kết quốc tế giảm cácbon trong ngành điện, thay đổi cấu trúc thị trường than và thực hiện cải cách sâu rộng đối với thị trường điện lực.

FYP 13 đánh giá công suất điện tiếp tục dư thừa, trong khi nhu cầu không mấy gia tăng trong vòng 5 năm tới. Đây là một cơ hội vàng để định hình ngành điện mà không lo tăng giá điện. FYP 13 còn có thêm tham vọng về những kế hoạch cải cách thị trường, cam kết thực hiện các dịch vụ thí điểm ở phía Đông Bắc Trung Quốc. Điều này là rất cần thiết để cân đối khả năng cung cấp điện trong ngắn hạn trước khi năng lượng tái tạo hòa vào mạng lưới điện quốc gia.

Với nỗ lực để chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang dùng những nguồn năng lượng sạch trong thời gian sớm nhất, Trung Quốc đang gia tăng đầu tư vào năng lượng Mặt trời, gió và các nhà máy điện hạt nhân. Đầu tháng 1/2017, Trung Quốc thông báo nước này sẽ đầu tư vào năng lượng tái tạo hơn 360 tỉ USD trong vòng 5 năm tới.  FYP trước đó đã chứng kiến một sự gia tăng lịch sử công suất năng lượng tái tạo ở Trung Quốc. Sản lượng điện từ gió hàng năm tăng trung bình 34,3% và năng lượng Mặt trời quang điện (PV) là 168,7%.

Tuy nhiên, mặt trái của sự tăng trưởng phi thường này là điện được tạo ra từ năng lượng tái tạo không thể hòa vào mạng lưới điện do điện than vẫn được ưu tiên hơn các năng lượng tái tạo. Tham vọng quốc gia bổ sung công suất các năng lượng tái tạo mới trong FYP 13 đã giảm đáng kể, với mục tiêu tăng trưởng trung bình hàng năm đối với năng lượng gió chỉ 9,9%, năng lượng Mặt trời: 21,2% và thủy điện: 2,8%. Những mục tiêu này có khả năng sẽ vượt quá giới hạn do giá các mô-đun gió và Mặt trời giảm mạnh, trong khi vốn đầu tư của chính phủ tăng lên. Tuy nhiên, rõ ràng nhu cầu cấp bách hiện nay là cải thiện khả năng tích hợp của năng lượng gió và năng lượng Mặt trời hòa vào mạng lưới điện quốc gia.

Trung Quốc đã có những cam kết quốc tế giảm lượng khí thải tối đa vào năm 2030 và có được ít nhất 20% tổng số nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu từ các nguồn phi cácbon. Tuy nhiên, FYP 13 về phát triển điện lực cũng chỉ ra một tham vọng đầy lo ngại, đặc biệt là trong việc kiểm soát công suất điện than quá tải và thúc đẩy năng lượng tái tạo.