Bán… ô nhiễm

ThienNhien.Net – Một thỏa thuận mua bán khá đặc biệt vừa được ký kết giữa nước ta với các đối tác quốc tế. Đó là thỏa thuận mua bán khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, trong đó đặc biệt là khí thải carbon (CO2).

Theo thỏa thuận ký ngày 20-12 tại TP Hà Nội giữa đại diện Chính phủ Việt Nam và Quỹ Đối tác Carbon (CPF) của Ngân hàng Thế giới (WB), CPF sẽ mua tín chỉ giảm thải carbon của Dự án Năng lượng tái tạo (REDP). Thông qua CPF, 3 quốc gia công nghiệp phát triển (Thụy Điển, Na Uy và Tây Ban Nha) sẽ mua 3 triệu tấn tín chỉ giảm thải carbon (CERs) của chương trình phát triển thủy điện nhỏ thuộc REDP. Tổng tín dụng cho REDP là 202 triệu USD được cung cấp bởi Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc WB. Số tiền này sẽ được đầu tư để phát triển các dự án thủy điện ở Việt Nam.

thuydien22122013
Thủy điện Đăkmi 4. Ảnh: ThienNhien.Net.

Sở dĩ có thỏa thuận trên là do Nghị định thư Kyoto quy định nếu chưa thể giảm lượng khí thải như cam kết, các nước phát triển được phép mua lại CERs từ các nước đang phát triển như Việt Nam. Nói cách khác, thay vì phải bỏ ra nhiều chi phí để giảm khí thải, các nước phát triển có quyền mua lại quyền phát khí thải ở các quốc gia còn phát sinh khí thải thấp. Đổi lại, các nước bán được CERs sẽ có nguồn vốn để đầu tư công nghệ sản xuất sạch như các nguồn năng lượng tái tạo…

Như vậy, với thỏa thuận này, các bên tham gia cùng có lợi. Thụy Điển, Na Uy và Tây Ban Nha thay vì phải bỏ tiền đầu tư tốn kém hơn tại quốc gia của mình vẫn có thể đạt được một mức giảm khí thải cam kết thông qua việc mua 3 triệu tấn CERs của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có thêm hơn 200 triệu USD để phát triển các dự án thủy điện.

Là quốc gia đang phát triển, có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính còn thấp lại có tiềm năng thủy điện lớn, Việt Nam đang được xem là một đối tác CERs tiềm năng. Bộ Công Thương cho biết hiện đã nhận được khoảng 20 đơn xin phát triển dự án thủy điện nhỏ theo REDP. Cơ quan quản lý nhà nước này ước tính sẽ có khoảng 15-25 dự án nhỏ do REDP tài trợ với tổng chi phí đầu tư khoảng 5-20 triệu USD cho mỗi tiểu dự án.

Thủy điện, với thế giới, là một nguồn năng lượng sạch. Song, với nước ta và nhất là những mặt trái mà thủy điện đã và đang bộc lộ thời gian qua thì chưa hẳn như vậy. Thủy điện đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng về môi trường (phá rừng, biến đổi nguồn nước…) cũng như sản xuất và đời sống (xả lũ mùa mưa, tích nước mùa khô…). Thế nên, cái lợi từ việc bán hạn mức khí thải carbon – sự ô nhiễm còn tùy thuộc vào các dự án thủy điện có thật sự bảo đảm cả về môi trường và đời sống hay không. Đừng để đánh đổi CERs, hạn mức ô nhiễm vốn hữu hạn của đất nước, lấy những dự án thủy điện “sạch” thì ít mà “bẩn” thì nhiều.